Sẽ phối hợp đồng bộ chính sách để tăng thanh khoản cho nền kinh tế
Kỳ họp thứ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/5 |
Tại họp báo, nhiều phóng viên băn khoăn với ý kiến phản ánh của Ủy ban Kinh tế cho rằng cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tinh thần phục vụ tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp đã bị thay thế bởi cách thức làm thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý… đã tác động hết sức tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, và đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế - xã hội.
Một số ý kiến khác thì băn khoăn cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, đến 31/3 năm nay sẽ không phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn chương trình phục hồi nữa nhưng trong Chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội vẫn có việc trình Quốc hội xem xét các nội dung này. Vậy, số vốn sẽ được xem xét tiếp tục là bao nhiêu và theo quan điểm của Ủy ban Tài chính, Ngân sách việc linh hoạt này có phải vẫn tiếp tục làm cho kỷ luật, kỷ cương ngân sách không được siết chặt như yêu cầu của Quốc hội hay không.
Một số ý kiến thì dẫn lời Chủ tịch Quốc hội cho biết, nền kinh tế hiện nay không có thanh khoản, hàng triệu tỷ đồng đang ở trong ngân hàng nhưng không thể giải ngân được. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đang thiếu vốn. Vậy, Quốc hội nên có tiếng nói như thế nào để gỡ khó cho nền kinh tế…
Bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV cho biết, trong quá trình thẩm tra, tại báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng phải tiến hành ghi nhận và dựa trên những nguyên tắc làm việc cũng ghi nhận những ý kiến như vậy. Qua quá trình thẩm tra, chúng tôi nhận thấy các cơ quan, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đang hết sức quan tâm tới thực trạng phát triển kinh tế trong năm 2022 cũng như những tháng đầu năm 2023 để từ đó báo cáo với Quốc hội thảo luận, tìm ra được những cái giải pháp để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023, cũng như các mục tiêu của kinh tế - xã hội trong toàn nhiệm kỳ 2021-2025.
Đề cập tới những khó khăn của doanh nghiệp thời gian vừa qua, bà Yến cho biết thực tế không phải chỉ có nền kinh tế Việt Nam có tính đặc thù là một nền kinh tế mở và phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế của khu vực và thế giới. Nếu nhìn những thách thức trên thế giới có thể thấy hiện nay tất cả những thị trường lớn, quan trọng của Việt Nam đều thay đổi toàn bộ những quy trình liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Thị trường châu Âu hiện nay đưa toàn bộ những yêu cầu liên quan đến các sản phẩm phải đáp ứng xuất xứ, không làm ảnh hưởng đến môi trường, không được làm ảnh hưởng đến rừng. Nếu những sản phẩm của các nước xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu này thì không bao giờ có thể xuất khẩu được vào những thị trường đó.
Hay như thị trường hết sức quan trọng và chiếm tỷ trọng rất lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Trung Quốc thì hiện phía bạn cũng yêu cầu chúng ta phải chuyển mạnh sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tiêu chuẩn của hàng hóa cũng phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, có mã số vùng trồng đối với hàng nông sản.
Với yêu cầu như vậy, nền kinh tế của Việt Nam cũng đang trong quá trình tái cơ cấu, thay đổi và chúng ta cũng đã hết sức thành công trong việc chuyển cơ cấu nền kinh tế hướng vào đổi mới sáng tạo, hướng vào nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Trong quá trình chuyển đổi đó, chúng ta cũng đang đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi một doanh nghiệp cũng cần phải tái cơ cấu hoạt động và quyết định đầu tư vào những cái lĩnh vực mới theo đòi hỏi mới của nền kinh tế và của thị trường.
“Tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan bộ, ngành cũng sẽ tiến hành giải đáp và tìm kiếm những cái giải pháp để có thể thực hiện được, đáp ứng được những mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra trong cả năm 2023 cũng như cả nhiệm kỳ”, bà Yến cho biết.
Liên quan đến kỷ luật, kỷ cương ngân sách trong việc phân bổ vốn trung hạn và phục hồi kinh tế trong thời gian vừa qua chậm và trách nhiệm thuộc về ai, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XV cho biết, nghị quyết của Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Chính phủ phân bổ vốn trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế trước ngày 31/3/2023. Tuy nhiên, quá trình triển khai của Chính phủ có sự chậm trễ. Do đó đến ngày 31/3 vẫn còn một lượng vốn rất lớn của chương trình trung hạn và một phần vốn của chương trình phục hồi phát triển kinh tế chưa được phân bổ.
Về cơ bản, đến nay một phần lớn vốn đã được chuẩn bị cho các dự án đủ điều kiện, nhưng về thời điểm thì do đã qua 31/3 nên về mặt nguyên tắc, Thường vụ Quốc hội đã hết thẩm quyền. Theo quy định, những khoản không phân bổ được sẽ phải thu hồi không phân bổ tiếp và đưa vào dự phòng. Tuy nhiên, đây là khoản vốn rất lớn, nếu số này không được triển khai hoặc đưa vào dự phòng thì quá trình tổ chức triển khai sử dụng số vốn sau này sẽ bị kéo dài thêm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng cường giải ngân đầu tư công - một khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế.
Với số tiền rất lớn như vậy nên các cơ quan tham mưu đã báo cáo Thường vụ Quốc hội và được Thường vụ Quốc hội nhất trí sẽ báo cáo vấn đề này ra Quốc hội để Quốc hội xem xét. Những trường hợp nào đủ điều kiện phân bổ thì sẽ phân bổ tại Kỳ họp thứ 5, còn những trường hợp chưa đủ điều kiện sẽ hủy dự toán hoặc đưa vào dự phòng. Đây là vấn đề xử lý tình huống phù hợp với thực tiễn đặt ra.
Cụ thể hóa số vốn này, ông Lâm cho biết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tổng số vốn chi từ nguồn ngân sách là 176 nghìn tỷ đồng, đã được phân bổ 161,8 nghìn tỷ đồng, còn lại chưa phân bổ khoảng 14.100 tỷ đồng. Con số này vừa qua đã được Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra và đề xuất tới đây nếu Quốc hội đồng ý sẽ tiếp tục giao hơn 13.000 tỷ đồng cho 45 dự án đã đầy đủ thủ tục đầu tư cho đến giai đoạn này. Số còn lại chưa chuẩn bị đủ các điều kiện thủ tục sẽ đề nghị hủy dự toán.
Đối với vốn đầu tư công trung hạn, tổng số cho cả giai đoạn là 2,4 triệu tỷ đồng, số hiện nay còn lại chưa phân bổ gần 280 nghìn tỷ đồng, đây là một số vốn rất lớn. Theo nguyên tắc, số vốn này nếu không phân bổ tiếp sẽ phải đưa vào dự phòng. Để sử dụng được vốn dự phòng này đòi hỏi cần có thời gian nên các danh mục dự án sẽ bị kéo dài nếu đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư.
“Tới đây, chúng tôi cũng sẽ đề xuất phân bổ tiếp một lượng vốn cũng khá lớn nữa với tổng vốn hơn 200 nghìn tỷ đồng. Số vốn này Quốc hội sẽ xem xét cụ thể, những trường hợp nào đủ điều kiện sẽ tiếp tục cho phân bổ vốn, những trường hợp nào đến thời điểm này chưa đủ các điều kiện thì buộc phải đưa vào dự phòng. Tuy nhiên, đưa vào dự phòng không có nghĩa là không được sử dụng mà sẽ được xem xét bố trí sử dụng trong giai đoạn tiếp theo”, ông Lâm cho biết.
Về trách nhiệm của sự chậm trễ này, ông Lâm cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã chỉ rõ việc để chậm phân bổ vốn đầu tư này là một hạn chế rất lớn và nó làm chậm quá trình đưa các nguồn lực của đất nước vào sử dụng một cách có hiệu quả và có thể nói đây cũng là một sự lãng phí.
“Chúng tôi có kiến nghị với Quốc hội là sẽ xem xét, đề nghị Chính phủ trong chỉ đạo triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 xem xét, kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, nhất là người đứng đầu để báo cáo Quốc hội và Thường vụ Quốc hội về từng trường hợp cụ thể chậm trễ trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm nào thuộc khách quan, trách nhiệm nào thuộc chủ quan để xem xét thận trọng và rõ ràng nhất”, ông Lâm cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến các giải pháp đề xuất để tăng thanh khoản cho nền kinh tế, ông Lâm cho biết Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ tham mưu để phối hợp đồng bộ các chính sách tài khóa gắn với chính sách tiền tệ để tăng thanh khoản cho nền kinh tế bằng các biện pháp cung tiền từ ngân sách ra thị trường theo đúng các chương trình, dự án, và đây sẽ là một trong những kênh khơi thông các nguồn lực cho nền kinh tế. Với chính sách tiền tệ, các ngân hàng cũng sẽ có những giải pháp và các đại biểu hiến kế thì có thể sẽ sâu sắc hơn.