Số hoá cho vay - cuộc đua ngày càng khốc liệt
TS. Nguyễn Hữu Huân |
NHNN đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó bổ sung quy định về hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử. Quy định này nếu áp dụng sẽ tác động thế nào đối với ngân hàng? Phóng viên đã trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh xoay quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về tác động của quy định trên đối với các ngân hàng?
Dự thảo này nếu được thông qua sẽ thúc đẩy mạnh hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử của các TCTD. Khi đã có khung pháp lý, các TCTD sẽ tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, quy trình cho vay tự động hoá, xét duyệt hồ sơ nhanh hơn, tiết giảm chi phí, đặc biệt là chi phí nhân sự cho nhà băng. Các ngân hàng hiện đều đã có bộ phận ngân hàng số riêng và sẽ ngày càng phát triển trong thời gian tới. Theo đó tỷ trọng dư nợ ngân hàng số so với ngân hàng truyền thống sẽ ngày càng cao hơn, trong tương lai 100% các dư nợ sẽ hướng tới kênh số hoá.
Vậy áp lực cạnh tranh trên không gian số tới đây sẽ khốc liệt hơn?
Đúng vậy, số hóa trong cho vay sẽ trở thành cuộc đua khốc liệt giữa các ngân hàng và giữa các ngân hàng với công ty tài chính. Ngân hàng truyền thống sẽ phải chuyển đổi nhanh sang hình thức ngân hàng số để cạnh tranh với các công ty tài chính và Fintech. Và nếu tổ chức nào có lợi thế về công nghệ, dữ liệu thì nó là ưu thế để họ có thể chiếm thị phần lớn ở miếng bánh mới này. Theo tôi biết, về phía các nhà băng, đặc biệt là nhà băng lớn đã chuẩn bị điều này. Các ngân hàng đã dự tính trước về việc số hoá hoàn toàn hoạt động cho vay và sự cạnh tranh rất lớn từ các công ty tài chính.
Cho vay tiêu dùng hứa hẹn là mảnh đất màu mỡ. Đây sẽ là lĩnh vực được tập trung số hóa và dự báo hoạt động cho vay cạnh tranh lớn. Vì vậy, các ngân hàng muốn giữ được thị phần, lợi thế cạnh tranh thì phải tập trung vào phát triển ngân hàng số. Đầu tiên là yếu tố về Big data (dữ liệu), bởi khi xét duyệt cho vay online cần dữ liệu lớn của khách hàng để chấm điểm tín dụng, xem xét nhiều yếu tố khác trước khi quyết định cho vay… Hệ thống cơ sở dữ liệu càng lớn thì càng lợi thế cho các ngân hàng.
Tiếp theo là yếu tố về công nghệ. Nếu có dữ liệu mà không có công nghệ phân tích dữ liệu cũng không hiệu quả. Đơn cử như ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định cho vay online. Vì thế, cạnh tranh về công nghệ cũng đang rất sôi động giữa các ngân hàng và công ty tài chính Fintech.
Một điểm khó của ngân hàng truyền thống là chưa làm chủ được công nghệ, hầu hết vẫn phải thuê một bên thứ ba để phát triển. Trong thời đại phát triển công nghệ hiện nay, khi công nghệ thay đổi, ngân hàng sẽ lại phải thuê đơn vị đó để phát triển công nghệ, rõ ràng là có rủi ro. Chính vì vậy, các ngân hàng phải nhận thức được điều này và xây dựng một đội nội bộ phát triển công nghệ, không đặt hoàn toàn tương lai của mình vào bên thứ ba.
Thưa ông, ngân hàng phải làm gì để ngăn chặn các hành vi gian lận, bảo mật thông tin cho khách hàng trong quá trình số hoá hoạt động cho vay?
An ninh mạng hiện nay cũng là một vấn đề cần chú trọng, tội phạm mạng ngày càng nhiều, đánh trực tiếp vào ngân hàng và người sử dụng dịch vụ ngân hàng thiếu cảnh giác. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển công nghệ, cần phát triển song song vòng bảo vệ cho chính ngân hàng và khách hàng.
Thực tế, thông tin cá nhân hiện nay bị mất cắp rất nhiều, kể cả thông tin căn cước công dân, thậm chí là ảnh khuôn mặt. Đã có nhiều trường hợp bị lộ thông tin đến mức bị kẻ xấu sử dụng để đi vay mà “khổ chủ” không biết. Vì vậy, việc xác thực qua eKYC cần đảm bảo hơn, sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn để làm tăng tính an toàn, đỡ rủi ro hơn cho cả ngân hàng và khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng cần xây dựng quy trình chấm điểm tín dụng một cách chi tiết; ứng dụng nhiều công nghệ vào quy trình xét duyệt cho vay online, xem xét đưa vào các hợp đồng thông minh, giúp quy trình chặt chẽ, tự động hơn. Việc đưa vào sử dụng hợp đồng thông minh sẽ giúp hoàn thiện quy trình số hoá cho vay của ngân hàng và giảm thiểu rủi ro đạo đức.
Xin cảm ơn ông!