Số liệu thống kê và truyền thông chính sách
Tổng cục Thống kê bắt đầu tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2023 |
Số liệu tin tưởng, sử dụng trách nhiệm
Chia sẻ tại Tọa đàm, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết trong thời gian qua, ngành thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế.
Ngành thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thể hiện trong nhiều hoạt động của ngành, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, cập nhật danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam; xây dựng khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là căn cứ để định kỳ 5 năm và hàng năm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo thuận lợi cho lãnh đạo các cấp trong việc sử dụng thống nhất, đồng bộ các chỉ tiêu từ Trung ương đến địa phương nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá, quản lý, điều hành tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Bên cạnh đó, ngành thống kê đã đẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng phiếu điện tử thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác, kịp thời. Đặc biệt, đã có nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu của TCTK, như các chuyên gia đến từ ILO, UNFPA, IMF, ADB…
Với sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới nảy sinh, sự tiếp cận đa dạng của người dùng tin, sự bùng nổ của công nghệ liên quan đến mọi mặt của đời sống... đòi hỏi ngành thống kê phải luôn vận động, đổi mới, các phương pháp thống kê vì thế cũng có những thay đổi.
“Với đặc thù của một ngành chuyên môn sâu, phương pháp luận của chúng tôi luôn tuân thủ theo chuẩn mực của quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đơn cử, để triển khai những chỉ tiêu mới, chúng tôi đã thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cơ quan thống kê các nước về các chỉ tiêu thống kê. Nhờ vậy, chất lượng thông tin thống kê của Việt Nam ngày càng được nâng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dùng tin trong nước và quốc tế”, bà Nguyễn Thị Hương khẳng định.
Tuy nhiên Tổng cục trưởng TCTK cũng cho biết trong quá trình triển khai hoạt động, ngành thống kê vẫn gặp những bất cập cần được khắc phục như: Số liệu đôi khi công bố còn chưa kịp thời, đặc biệt với những tình hình diễn biến bất thường trong nền kinh tế; thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở; công tác tuyên truyền chưa thật tốt, đặc biệt với các vấn đề liên quan nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến việc chưa hiểu rõ, không đồng thuận với số liệu của một số người dùng tin...
“Vì vậy trong thời gian sắp tới, chúng tôi mong mỏi các nhà báo tiếp tục đồng hành cùng ngành thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa những thông tin, số liệu thống kê kịp thời, đầy đủ hơn, đến gần hơn với đông đảo công chúng. Sự tin tưởng, sử dụng số liệu thống kê một cách trách nhiệm trong mỗi con chữ, dòng tin, bài viết của các nhà báo sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi để tiếp tục trăn trở, nghiên cứu, tìm cách thức, phương pháp để thông tin thống kê ngày càng chất lượng hơn”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nói.
Không có số xấu, số đẹp, chỉ có con số phản ánh đúng
Tại buổi Tọa đàm, các lãnh đạo TCTK và các vụ nghiệp vụ đã trao đổi, đối thoại cùng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên về vai trò số liệu thống kê; làm rõ những khái niệm, phương pháp tính các chỉ tiêu thống kê để các nhà báo hiểu hơn bản chất các số liệu do TCTK công bố và đặc biệt là những băn khoăn xung quanh các số liệu về lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp… gần đây.
Trả lời câu hỏi vì sao CPI thời gian qua ổn định và có xu hướng giảm trong khi cảm nhận trên thực tế giá lương thực, thực phẩm lại tăng, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá khẳng định số liệu CPI thời gian qua luôn phản ánh đúng xu hướng biến động giá tiêu dùng trên thị trường.
Dẫn chứng cụ thể, bà Oanh cho biết, trong 5 tháng đầu năm, thị trường lương thực, thực phẩm không có nhiều biến động do nguồn cung dồi dào, tiêu dùng không có nhu cầu đột biến nên giá cả tương đối ổn định. Sức tiêu thụ của thị trường đối với các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà có xu hướng phục hồi nhẹ nhưng sức mua chưa cao… Chính vì vậy, chỉ số giá lương thực chỉ tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá gạo trong nước biến động theo giá gạo xuất khẩu tăng 2,37%; chỉ số giá thực phẩm chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá thịt lợn tăng 1,06%, thịt gà tăng 4,58%, thịt chế biến tăng 4,02%, thủy hải sản tươi sống tăng 3,97%.
Phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng được áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của các tổ chức quốc tế, đây cũng là chuẩn mực được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng và hiện nay thực hiện theo tài liệu hướng dẫn biên soạn chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của các tổ chức quốc tế ban hành năm 2020. Do đó, phương pháp tính CPI của TCTK phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.
Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho hay, để tính CPI, TCTK triển khai các công việc: (1) Xác định danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân (còn được gọi là “rổ” hàng hóa); (2) Xác định cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm trong danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện (quyền số); (3) Hàng tháng, 63 địa phương tổ chức thu thập giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ.
Tổng số mặt hàng đại diện trong “rổ” hàng hóa giai đoạn 2020-2025 là 752 mặt hàng, được sắp xếp theo cấu trúc của chỉ số và có hình ảnh minh họa, mỗi hàng hóa và dịch vụ trong danh mục điều tra được mô tả chi tiết về quy cách, phẩm cấp, nhãn mác cụ thể.
Để tính quyền số phục vụ tính chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2020-2025, TCTK thực hiện thu thập thông tin tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng từ cuộc “Khảo sát mức sống dân cư và Điều tra quyền số chỉ số giá tiêu dùng năm 2018” tại 63 địa phương trong 4 kỳ điều tra nhằm loại trừ yếu tố mùa vụ.
Hiện trên toàn quốc có khoảng 40.000 điểm điều tra giá với địa điểm kinh doanh ổn định, thuộc các loại hình kinh tế. Hiện nay, TCTK triển khai điều tra giá tiêu dùng bằng thiết bị điện tử CAPI tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giúp nâng cao chất lượng số liệu điều tra, minh bạch quá trình điều tra, rút ngắn thời gian sản xuất số liệu và tiến tới hội nhập với thống kê thế giới.
“Một nguyên tắc được nhiều thế hệ TCTK kiên định đến ngày hôm nay là không có con số thống kê đẹp, không có con số thống kê xấu mà chỉ có con số chính xác, trung thực và rõ ràng”, bà Nguyễn Thu Oanh nhấn mạnh.
Trả lời cho câu hỏi của Thời báo Ngân hàng đề nghị cho biết TCTK có mô hình và cách tính toán nào để lượng hóa tác động (thiệt hại) của việc cắt điện cục bộ (nhưng trên diện rộng) vừa qua đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không và qua đó tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, khẳng định thời gian vừa qua, việc cắt điện ở một số khu vực tại các địa phương chắc chắn có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trước mắt là làm cho các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ chức lại các phương án sản xuất để đảm bảo tiến độ sản xuất kinh doanh hoặc phải có các phương án thay thế hoặc dự phòng khi bị cắt điện, như vậy sẽ làm tăng chi phí đầu vào và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trong vài năm gần đây, TCTK đã sử dụng một số mô hình để đánh giá tác động của việc tăng giá điện đến tốc độ tăng trưởng GDP, đến CPI. Tuy nhiên, việc đưa vào mô hình để lượng hóa tác động của các yếu tố tới tăng trưởng GDP hay lạm phát đòi hỏi cần phải có nguồn thông tin đầu vào đầy đủ, toàn diện mới có thể đánh giá được đầy đủ và chính xác.
“TCTK cũng đã nắm thông tin về ảnh hưởng của việc cắt điện trong thời gian qua tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua ý kiến phản ánh của doanh nghiệp trong cuộc điều tra tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong tháng 5 tháng 6 và điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II/2023. TCTK sẽ tổng hợp thông tin về các khó khăn của doanh nghiệp cũng như các kiến nghị của doanh nghiệp đối với Chính phủ, các bộ, các địa phương và sẽ đưa các nội dung này trong báo cáo tháng 6 và quý II/2023”, bà Phí Thị Hương Nga thông tin.