Sôi động thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường TPDN khá an toàn sau khi Nghị định 153 được ban hành. Hết quý I/2021, tổng cộng có khoảng 38,2 nghìn tỷ đồng TPDN được huy động qua kênh riêng lẻ và công chúng, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Kỳ hạn bình quân là 3,5 năm, lãi suất bình quân là 9,9%/năm.
Nhóm bất động sản chiếm 73% lượng trái phiếu phát hành, đạt 27,7 nghìn tỷ đồng, tiếp đó là nhóm chứng khoán với 1,8 nghìn tỷ đồng huy động thành công.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng bởi lãi suất cao đi liền với rủi ro lớn.
Ảnh minh họa (Internet) |
Lý giải nguyên nhân thúc đẩy thị trường TPDN tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cho biết, trong bối cảnh năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế, khiến các ngân hàng rất thận trọng trong việc cho vay để tránh rủi ro. Do vậy, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp cũng trở nên khó khăn hơn nên nhiều doanh nghiệp chuyển qua kênh trái phiếu để tìm kiếm nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp phát hành sử dụng công cụ lãi suất hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia nên thị trường này rất sôi động.
Theo số liệu mới nhất của VNDirect, tổng giá trị TPDN phát hành trong tháng 4/2021 đạt mức 42.109 tỷ đồng, tăng 71,4% so với cùng kỳ, tăng 101,9% so với tháng trước. Giá trị TPDN phát hành lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4 đạt 81.681 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điểm đáng chú ý là thị trường TPDN sơ cấp đã dần sôi động trở lại trong tháng 4. Trong tháng, có 32 doanh nghiệp phát hành 29.911,5 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, tăng 101,9% so với tháng trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 98,1%. Các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong tháng là: Công ty CP Đầu tư Golden Hill (5.760 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (3.000 tỷ đồng) và Công ty CP BCG Land (2.500 tỷ đồng)...
Bên cạnh đó, trong tháng 4/2021 đã có 12.198 tỷ đồng TPDN được phát hành ra công chúng (gấp 4,3 lần tháng trước), phần lớn thuộc về Tập đoàn Vingroup (11.607,5 tỷ đồng) và Công ty CP Hạ tầng kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (590 tỷ đồng).
Trong tháng này, Tập đoàn Vingroup đã niêm yết thành công 500 triệu USD trái phiếu quốc tế tại Singapore vào ngày 13/4 vừa qua và bắt đầu giao dịch từ ngày 21/4/2021. Ngoài ra, Công ty CP BIM Land cũng sẽ niêm yết trái phiếu quốc tế đầu tiên trị giá 200 triệu USD (4.630 tỷ đồng) trên Sở giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) với lãi suất 7,375%, kỳ hạn 5 năm.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 81.681 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó 62.489 tỷ đồng phát hành riêng lẻ (-3,2% svck) và 19.192 tỷ đồng phát hành ra công chúng, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.
"Chúng tôi cho rằng giá trị phát hành trái phiếu công chúng sẽ duy trì xu thế tăng trong những tháng tới nhờ các doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành đẩy mạnh kênh phát hành ra công chúng nhằm tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư khác", đại diện VNDirect cho biết.
Các thống kê cũng cho thấy, trong tháng 4/2021, bất động sản vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 29,6% tổng giá trị phát hành, tương đương 12.480 tỷ đồng (tăng 47,7% so với tháng trước). Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Công ty CP Đầu tư Golden Hill (5.760 tỷ đồng), Công ty CP BCG Land (2.500 tỷ đồng)… với lãi suất TPDN bất động sản ở mức ổn định trong khoảng 9% - 12%/năm.
Nhóm Tài chính - Ngân hàng chiếm 17,5% tổng giá trị phát hành trong tháng, tương đương 7.359 tỷ đồng (gấp 2,5 lần so với tháng trước). Các tổ chức tài chính, ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (3.000 tỷ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1.789 tỷ đồng)…. Lãi suất TPDN các ngân hàng vẫn ở mức thấp, dao động trong khoảng 3,7% - 6,9%/năm. Trong khi đó, lãi suất của các tổ chức tài chính cao hơn, dao động trong khoảng từ 7,5% - 8,3%/năm.
Nhóm Tập đoàn đa ngành chiếm 27,6% tổng giá trị phát hành trong tháng, tương đương 11.607 tỷ đồng (tăng 129,3% so với tháng trước). Toàn bộ giá trị TPDN này do Tập đoàn Vingroup phát hành ra thị trường quốc tế vào ngày 21/4/2021, tương ứng với 500 triệu USD.
Các ngành khác chiếm 25,3% tổng giá trị phát hành trong tháng, tương đương 10.663 tỷ đồng (tăng 129,3% so với tháng trước). Đáng chú ý có Công ty CP Đầu tư Voyage phát hành 2.300 tỷ đồng với lãi suất 10,5%/năm, Công ty TNHH Mặt trời Trung Nam Thuận Nam phát hành 2.000 tỷ đồng với lãi suất 9,5%/năm.
Trên thị trường TPDN thứ cấp, hiện nay, các giao dịch TPDN thứ cấp tại Việt Nam được thực hiện qua 3 hình thức chính: (i) niêm yết trên HSX; (ii) nền tảng giao dịch của các đơn vị phân phối và (iii) thỏa thuận trên thị trường OTC.
Tổng giá trị giao dịch TPDN trong tháng 4 đạt mức 4.390 tỷ đồng, tăng 24,7% so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 219,5 tỷ đồng/phiên, tăng 38% so với tháng trước. Giá trị giao dịch bình quân trong vòng 12 tháng qua là 2.761 tỷ đồng/tháng. Tính tới nay, có 32 trái phiếu được niêm yết trên HSX với tổng giá trị niêm yết là 25.457 tỷ đồng, trong đó 11.500 tỷ đồng (45% giá trị niêm yết) thuộc về Công ty CP Tập đoàn Masan.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, TPDN đang là một kênh đầu tư khá hấp dẫn. Đầu tư vào doanh nghiệp cũng là một kênh đầu tư hoàn toàn thuộc quyền quyết định của người dân.
Bên cạnh việc nhà đầu tư tự tìm hiểu cũng có trường hợp khách hàng khi đến các công ty chứng khoán tìm hiểu đầu tư hoặc các ngân hàng gửi tiết kiệm đã được nhân viên ngân hàng tư vấn kênh đầu tư TPDN với mức lãi suất hấp dẫn.
Đã có nhiều nhà đầu tư lựa chọn hình thức đầu tư này bởi có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao, hấp dẫn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lo ngại mức độ rủi ro của kênh đầu tư này. Bộ Tài chính cũng đã phát đi các cảnh báo cho các nhà đầu tư bởi tham gia thị trường TPDN có nhiều rủi ro nếu khách hàng không nắm rõ về TPDN lại ra quyết định đầu tư.
Ví dụ như rủi ro trong việc các tổ chức phân phối, bảo lãnh phát hành TPDN có thể không thực hiện được các nghĩa vụ cam kết với nhà đầu tư, đặc biệt là cam kết mua lại trái phiếu tại từng thời điểm do không đáp ứng được các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính.
Chính phủ định hướng phát triển kênh TPDN nhằm giảm sự lệ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng nhưng loại hình này không khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.
Do vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước khi muốn đầu tư vào TPDN, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp phát hành trái phiếu, phải đánh giá và phải tìm hiểu về tổ chức phát hành trái phiếu: doanh nghiệp nào, hoạt động sản xuất kinh doanh của họ ra sao, quy mô như thế nào và tình hình tài chính của doanh nghiệp hiện nay có tốt hay không. Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải dành thời gian công sức để tìm hiểu trước khi ra quyết định đầu tư.
Đặc biệt, nhà đầu tư TPDN cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu. Trước khi quyết định đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu, mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu...