Sự phân hóa giữa các ngân hàng ngày càng tăng
Phân hóa từ kết quả kinh doanh
Đại dịch Covid-19 khiến lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng sụt giảm mạnh. Chẳng hạn tại NamABank, do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này giảm (giảm gần 2,1% so với cùng kỳ năm trước), cộng thêm chi phí dự phòng tăng vọt (gấp 6,2 lần cùng kỳ năm trước) đã khiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng chỉ còn 201 tỷ đồng, giảm tới 54,6% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước, chỉ bằng 25% kế hoạch lợi nhuận năm mà ngân hàng này đề ra. Tương tự lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Kienlongbank cũng chỉ đạt 103 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước và mới chỉ hoàn thành 13,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Để ứng phó với đại dịch Covid-19, các ngân hàng đã đẩy mạnh số hóa để tăng thu từ dịch vụ |
Tuy nhiên vẫn có những ngân hàng duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định. Đơn cử như trong 6 tháng đầu năm, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 39,8% so với cùng kỳ. Hay như tại Techcombank, con số này là 6.737 tỷ đồng, tăng trưởng 19%. VPBank, MB và ACB duy trì được kết quả kinh doanh tích cực tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ.
TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, kết quả kinh doanh của một số ngân hàng sụt giảm không nằm ngoài dự đoán, nhưng việc vẫn có không ít ngân hàng tăng trưởng tốt cho thấy sức đề kháng của các ngân hàng đang được cải thiện tích cực. “Trong khi bản thân các ngân hàng cũng chịu tác động không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng họ vẫn có thể hỗ trợ tích cực được cho DN, nền kinh tế. Điều này cũng cho thấy năng lực tài chính và sự linh hoạt thích ứng của hệ thống các ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt và có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế”, TS. Thành nhận xét.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, những ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt thời gian vừa rồi đa phần đều triển khai nghiêm túc Basel II với nền tảng tài chính bền vững. Bởi khi áp dụng hoàn chỉnh được Basel II có nghĩa là các ngân hàng đã vượt qua được bài kiểm tra quan trọng về khả năng chống chịu áp lực. Bên cạnh đó, những ngân hàng đa dạng kênh đầu tư, khai thác tối đa hiệu quả đồng vốn, gia tăng tỷ trọng nguồn thu ngoài lãi nhất là thu từ dịch vụ... cũng giúp cho họ có kết quả kinh doanh tốt hơn.
Kết quả kinh doanh trên cũng cho thấy sự phân hóa rõ giữa các ngân hàng. Sự phân hóa đó, theo TS. Võ Trí Thành, không phải bây giờ mới diễn ra đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhưng qua dịch bệnh lần này khẳng định chắc chắn ngân hàng nào mạnh, ngân hàng nào yếu.
Số hóa để vượt bão
Những ví dụ trên cho thấy, dù khó khăn nhưng ngân hàng nào có chiến lược kinh doanh tốt có thể kỳ vọng được kinh doanh khả quan. Thường khi hoạt động tăng trưởng tín dụng cũng là mảng kinh doanh chính bị ảnh hưởng, các ngân hàng đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng.
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, trong cái khó ló cái khôn. Thay vì tập trung nhiều các giải pháp truyền thống, ngân hàng này đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ, triển khai ứng dụng online banking trong giao dịch, gặp mặt khách hàng trực tiếp từ xa... Nhiều khách hàng phản hồi rất tích cực vì họ giảm được chi phí đi lại, thời gian mà vẫn đạt hiệu quả. Chỉ 6 tháng đầu năm, số lượng khách hàng mới của VietinBank tăng hơn nửa triệu. Đây là nhân tố quan trọng đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm, giúp ngân hàng có thêm nhiều dư địa tài chính để hỗ trợ cho khách hàng trong thời gian qua và cả tới đây.
Là một trong những ngân hàng duy trì tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh thừa nhận, môi trường kinh doanh trong những tháng cuối năm sẽ không dễ dàng. VPBank sẽ đa dạng hóa nguồn thu, đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi và nguồn từ hoạt động khác để bù đắp cho sự thu hẹp thu nhập lãi thuần. Hiện VPBank cho biết đang hợp tác với nhiều đối tác thương mại điện tử, đối tác cung cấp dịch vụ khác, fintech... để tạo ra hệ sinh thái số đa dạng, giúp kết nối khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn. “Tuy đang hưởng thành quả nhờ thời gian qua đầu tư lớn cho số hóa, tự động hóa. Nhưng số hoá, xây dựng những nền tảng giao dịch trực tuyến hiệu quả vẫn là trọng tâm phát triển của VPBank trong giai đoạn tiếp theo”, lãnh đạo VPBank khẳng định.
Hướng đi trên của các ngân hàng được giới chuyên môn đánh giá khá phù hợp với diễn biến hiện tại. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định, thúc đẩy ngân hàng số là một trong 3 giải pháp quan trọng vừa giúp ngân hàng tăng thu dịch vụ bù đắp thiếu hụt khi tín dụng khó tăng trưởng vừa phù hợp với xu thế 4.0 vừa thúc đẩy chiến lược thanh toán không tiền mặt của quốc gia. Chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, số hóa là một trong khía cạnh rất quan trọng có thể tạo đột phá cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng cố gắng đảm bảo chi phí hoạt động hợp lý, đánh giá thị trường, phân khúc khách hàng nhanh nhạy giảm thiểu rủi ro nợ xấu... cũng sẽ duy trì được kết quả kinh doanh khả quan.
Trong khi TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để trụ vững trong giai đoạn tới các ngân hàng cần phải có sự phân tán rủi ro trong hoạt động tín dụng để giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Bên cạnh đó, các ngân hàng nên nghiên cứu các sản phẩm phù hợp, nhất là về thanh toán quốc tế để tận dụng cơ hội khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt là các hiệp định thương mại lớn vừa được ký kết. “Dù việc mở rộng mảng kinh doanh này không phải là chuyện dễ. Vì đòi hỏi ngân hàng hội tụ nhiều yếu tố về uy tín, hiểu biết về các hiệp định, quy định, pháp luật cả Việt Nam và nước ngoài. Nhưng đây là cơ hội ghi điểm tốt vào lợi nhuận của ngân hàng nên các ngân hàng nên đẩy mạnh vào mảng kinh doanh này trong thời gian tới”, TS. Hiếu bày tỏ quan điểm.
Theo giới chuyên môn, đại dịch Covid-19 có thể coi như một bài kiểm tra khả năng chống chịu của ngân hàng trước những biến động lớn với rủi ro có tính bất thường. Tất nhiên sẽ có những ngân hàng chống chịu tốt, có những ngân hàng chống chịu kém hơn. Sự phân hóa giữa các ngân hàng vì thế ngày càng lớn; thậm chí, ngân hàng nào yếu kém có thể phải rời cuộc chơi, đó là một sự đào thải của quy luật tự nhiên. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, sự sàng lọc tự nhiên là điều rất tốt để giúp hệ thống ngân hàng phát triển bền vững.