Sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử: Thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số
Toàn cảnh tọa đàm |
Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có hiệu lực từ ngày 1/3/2006, được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử. Sau 16 năm triển khai trên thực tiễn, cùng với Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Tần số và Vô tuyến điện, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng… tạo hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử trong hoạt động dân sự, kinh tế - xã hội, cải cách hành chính.
Phát biểu tại tọa đàm "Pháp luật về giao dịch điện tử: thực tiễn áp dụng và định hướng hoàn thiện" do Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực (VINASME), Chương trinh hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2025 (Bộ Tư pháp) và Nhóm Cộng đồng luật Việt Nam (Viện Kinh tế công nghệ Việt Nam) tổ chức mới đây, Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, VINASME cho rằng, đặt trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, sự bùng nổ của chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong 2 năm gần đây, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi, cùng với sự phát triển đột phá của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, sinh trắc học, chuỗi khối... thì việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế. Điển hình như: thông tin và truyền thông (chữ ký số), ngân hàng (thanh toán điện tử), tài chính (hóa đơn điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử), thương mại điện tử luôn tiên phong, dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.
Nhận định về thương mại điện tử ở Việt Nam, TS. Cao Xuân Phong, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng mở rộng, song vẫn chủ yếu là B2C - giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, còn B2B - giao dịch giữa doanh nghiệp với nhau còn rất hạn chế. Trong khi tỷ trọng giao dịch B2B này tại Trung Quốc rất cao và giá trị thực tế cao hơn nhiều so với B2C. Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với giao dịch điện tử B2B là do giá trị pháp lý của giao dịch điện tử chưa quy định đầy đủ, chính xác và an toàn.
Đồng tình rằng do Luật Giao dịch điện tử 2005 được ban hành khi ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử mới ở giai đoạn ban đầu, có nhiều vấn đề chưa được nhận diện đầy đủ khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp khá nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro pháp lý.
Dẫn ra những bất cập, hạn chế của Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật sư Mai Bích Ngân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thông tin, Luật Giao dịch điện tử 2005 chưa có quy định về gắn dấu thời gian đối với thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử an toàn, dịch vụ tin cậy và nhà cung cấp dịch vụ tin cậy, giá trị pháp lý của một đề nghị giao kết hợp đồng dưới hình thức điện tử.
Về chuyển đổi tài liệu điện tử sang tài liệu giấy và ngược lại. Hiện nay, mới có ngành tài chính, bảo hiểm là đã quy định việc chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy và ngược lại. Chưa có quy định và công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử theo cấp độ (so sánh với quy định về định danh điện tử và dịch vụ tin cậy cho giao dịch điện tử trong thị trường khối eIDAS thuộc Liên minh châu Âu thì cấp độ chữ ký điện tử có 3 mức độ: đơn giản, cao cấp, bảo đảm). Thiếu quy định về định danh và xác thực điện tử… Hay quy định về tranh chấp và xử lý vi phạm vẫn còn thiếu và chưa có quy định cụ thể, chỉ quy định rất chung chung và cũng không có dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành khác (chương VII)…
Thực trạng trên cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử 2005, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Luật sư Mai Bích Ngân đề xuất, cần phân biệt các khái niệm: thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu an toàn, chữ ký điện tử, chữ ký điện tử an toàn. Quy định điều kiện, tiêu chuẩn để chữ ký điện tử được xác định là chữ ký điện tử an toàn và thông điệp dữ liệu được xác định là thông điệp dữ liệu an toàn.
Bổ sung quy định đối với dịch vụ tin cậy và nhà cung cấp dịch vụ tin cậy (cấp dấu thời gian, con dấu điện tử, chuyển phát dữ liệu ủy thác, xác thực trang web...). Rà soát, cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa các quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật An toàn an ninh mạng 2015 và Luật An ninh mạng 2018.
Bổ sung quy định về tranh cấp và xử lý vi phạm, dẫn chiếu đến các quy định của Luật chuyên ngành về phương thức giải quyết tranh chấp đặc thì liên quan đến việc giao kết và thực hiện giao dịch thương mại điện tử…