Sức cầu - yếu tố quan trọng định hình bức tranh kinh tế 2024
Khi nền kinh tế có sức cầu yếu WB: Sức cầu yếu khiến GDP của Việt Nam chững lại, dự báo ở mức 4,7% |
Những tín hiệu khởi sắc
Báo cáo “Vietnam at a glance” của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa công bố đầu tháng này ghi nhận, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam bắt đầu cải thiện những tháng gần đây, trong đó tăng trưởng xuất khẩu tháng 11 đạt mức 6,7% so với cùng kỳ năm trước. “Tuy dệt may và da giày còn trì trệ, các nhóm mặt hàng khác như linh kiện liên quan đến máy tính (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước) và máy móc (tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước) cho thấy những dấu hiệu ổn định và đáng khích lệ. Các mảng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu, chẳng hạn như nông sản, cũng tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ hỗ trợ một mức cải thiện dù còn khiêm tốn, hướng tới cuối năm”, báo cáo của HSBC cho biết.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng các năm 2019-2023 (nguồn: TCTK) |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, sau nhiều tháng khó khăn, xuất khẩu đến hết tháng 11 mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, chỉ còn giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 85,94 tỷ USD, giảm 2,2% (chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 236,56 tỷ USD, giảm 7,1% (chiếm 73,4%).
Nhập khẩu cũng dần phục hồi tích cực trong những tháng gần đây. Trong đó, tháng 11 nhập khẩu hàng hóa tăng 1% so với tháng trước đó, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, nhập khẩu hàng hóa giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện từ mức giảm lên tới 18,2% trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý hơn là trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 278,18 tỷ USD, chiếm tới 93,8% (nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,2%). Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất tiếp tục tăng trở lại trong những tháng gần đây là tín hiệu rất tích cực cho thấy sản xuất và xuất khẩu trong các chu kỳ tiếp theo đang có đà mở rộng.
Về tiêu dùng trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đại diện cho tiêu dùng nội địa) đã tăng trưởng tích cực hơn trong 2 tháng vừa qua. Riêng tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1% so với cùng kỳ và tính chung 11 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, mức tăng tiêu dùng trong tháng 11 vừa qua là rất tích cực và nhiều khả năng đà tăng này sẽ tiếp tục được duy trì nhờ nhu cầu gia tăng trước thềm các dịp lễ lớn, nhất là chuẩn bị cho Tết.
Nhưng còn “bấp bênh”
Dù xuất nhập khẩu đã liên tiếp phát đi các tín hiệu phục hồi trong những tháng gần đây và tiêu dùng nội địa cũng đang trên đà trở lại với các mức tăng trưởng cao hơn, tuy nhiên các chuyên gia vẫn lo ngại về tính “bền chắc” của sức cầu cả trong và ngoài nước thời gian tới. Báo cáo của HSBC cảnh báo, mặc dù tín hiệu là tích cực nhưng vẫn cần thận trọng về triển vọng thương mại vì nhu cầu hàng hóa ở các đối tác thương mại lớn vẫn còn nhiều khó khăn.
Thực tế, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã giảm xuống còn 47,3 điểm trong tháng 11 (giảm mạnh từ mức 49,6 điểm trong tháng 10), trong đó cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều giảm, trong khi các công ty đã tăng giá bán hàng tháng thứ tư liên tiếp để đối phó với tình trạng tăng chi phí đầu vào mạnh nhất kể từ tháng 2/2023. Như vậy, việc cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều thu hẹp không chỉ cho thấy nhu cầu còn yếu khiến sản lượng giảm và các công ty cũng ngần ngại trong việc tích trữ hàng tồn kho, mà còn cho thấy phản ứng của khách hàng với tình trạng giá tăng. Điều này cũng phần nào báo hiệu nhu cầu ít nhiều bấp bênh, chưa thực sự vững chắc.
Chính vì vậy, trong nhận định gần đây về triển vọng kinh tế năm 2024, TS. Frederic Neumann, Kinh tế trưởng Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC cho rằng, sự phục hồi của xuất khẩu và tiêu dùng nội địa sẽ là hai động lực chính giúp kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,3% trong năm tới, theo dự báo của HSBC. Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài..
“Nếu tăng trưởng kinh tế thế giới không đạt như kỳ vọng, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hồi phục kém hơn các dự báo đưa ra vào thời điểm này, thì cầu bên ngoài vẫn yếu. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hồi phục xuất khẩu của Việt Nam”, chuyên gia này nói.
Về tiêu dùng nội địa, dù tăng trưởng đến nay khá tích cực song vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh áp lực lạm phát đang phát đi những tín hiệu gia tăng trong khi thu nhập chưa cải thiện nhiều, cần tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ, kích cầu tiêu dùng thời gian tới, trước mắt là thời điểm cận Tết Giáp Thìn.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Tết năm nay (nghỉ Tết 7 ngày, bắt đầu từ ngày 9/2/2024) đòi hỏi công tác chuẩn bị phục vụ Tết phải sớm, chu đáo và khoa học hơn, phù hợp với sức mua thực tế của thị trường đang còn nhiều khó khăn nhất định. Theo đó, muốn kích cầu tiêu dùng, kinh doanh và dịch vụ một cách hiệu quả, cần vai trò của bên: Các doanh nghiệp cần tìm hiểu cặn kẽ sức mua, chuẩn bị nguồn hàng, nguồn nhân lực và văn hóa phục vụ…; Người tiêu dùng yên tâm đến các địa chỉ đáng tin cậy để mua sắm; Cơ quan quản lý cần tuyên truyền những đơn vị kinh doanh, phục vụ tốt, những hàng hóa đảm bảo chất lượng và hàng hóa giá cả hợp lý, phản ánh kịp thời những trở ngại, trục trặc, những đơn vị làm ăn chưa nghiêm túc nếu có…); Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ngành thương mại.
“Chỉ còn khoảng hai tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn, hy vọng với sự chuẩn bị chu đáo của các doanh nghiệp, sự thông minh tỉnh táo lựa chọn đơn vị mua hàng của các gia đình và sự mẫn cán, làm hết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước thì Tết năm nay sẽ có những chuyển biến nhất định về mọi mặt, góp phần để cho nhân dân cả nước ăn một cái tết vui tươi, phấn khởi và tiết kiệm, lấy thành công của việc phục vụ Tết Nguyên đán để tạo động lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, ông Vũ Vinh Phú kỳ vọng.