Sức sống Tây Nguyên
Vốn ngân hàng “nở hoa” trên Tây Nguyên Phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng |
Vốn ngân hàng hỗ trợ phát triển du lịch tại Kon Tum |
Tạo đà để trụ đỡ nông nghiệp phát triển vững chắc
Với lợi thế về nguồn nước và thổ nhưỡng thuộc lưu vực hồ Lắk, một trong những hồ nước ngọt lớn nhất của khu vực Tây Nguyên, mà nơi đây được mệnh danh là vựa lúa của Đắk Lắk và cả Tây Nguyên.
Chỉ tay về phía cánh đồng rộng lớn, anh Vũ Công Nghĩa, Phó chủ tịch HĐND xã Buôn Tría, huyện Lắk cho hay, địa phương có đến hơn 80% hộ gia đình làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa, với gần 1.000ha. Trong 5 năm trở lại đây, hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ. Từ đó, mở ra cơ hội thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Cùng với đó, nhờ vốn đầu tư của Agribank huyện Lắk, nhiều hộ nông dân đã nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đời sống ngày một nâng lên... Chính quyền xã và bà con rất vui mừng khi xã Buôn Tría về đích nông thôn mới vào năm 2020, hiện đang tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Đến xã Buôn Triết, tôi gặp anh Lã Quý Tráng, người được Agribank Lắk cho vay 1 tỷ đồng để đầu tư trang trại nuôi gà lấy trứng. Quy mô trại gà của anh hiện có gần 5.000 con, mỗi ngày thu hoạch khoảng hơn 4.500 trứng bán ra thị trường.
Anh Tráng cho hay, khi đặt vấn đề vay vốn, cán bộ tín dụng của Agribank Lắk tích cực hỗ trợ, tư vấn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Việc kịp thời có vốn đã giúp gia đình anh nắm bắt cơ hội làm ăn. Đến nay, trại gà đang phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình…
Theo đại diện Agribank Lắk, cho vay phát triển kinh tế hộ sản xuất nông nghiệp từ lâu đã trở thành mục tiêu trọng điểm của ngân hàng. Từ nguồn vốn đó, chi nhánh tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ dân trên địa bàn thoát nghèo vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, chi nhánh có dư nợ cho vay trên 1.000 tỷ đồng; cơ cấu gần 100% đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân với gần 4.000 khách hàng đang vay vốn tại chi nhánh.
Hay như tại huyện Krông Pắc, nguồn tín dụng của các chi nhánh ngân hàng hỗ trợ đắc lực cho người dân và doanh nghiệp vươn lên làm giàu. Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Hùng Phát là một điển hình. Đây là đơn vị kinh doanh đa ngành nghề, đi lên từ một hộ sản xuất kinh doanh, là khách hàng truyền thống của Agribank Krông Pắc.
Giám đốc Trần Ngọc Hùng, người còn rất trẻ nhưng có nhiều nhiệt huyết trong lĩnh vực cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Anh Hùng cho hay, sau khi tốt nghiệp đại học tại TP. Hồ Chí Minh, anh trở về Tây Nguyên đi làm tại một cơ quan của nhà nước trên địa bàn được 2 năm. Nhưng nhìn thấy được tiềm năng của ngành cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, anh xin nghỉ việc và bắt đầu khởi nghiệp từ một hộ sản xuất nhỏ lẻ. Qua năm tháng, “cái áo” hộ sản xuất không còn vừa với quy mô hoạt động và để thực hiện đấu thầu các dự án lớn đòi hỏi phải có tư cách pháp nhân.
Từ thực tế đó, Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Hùng Phát ra đời và trúng thầu nhiều dự án lớn trên địa bàn. Tiêu biểu là thi công dự án xây dựng các nhà xưởng chế biến chuối và hệ thống ròng rọc tải chuối cho đối tác Công ty cổ phần KD Green Farm, với tổng khối lượng thầu lên đến hàng chục tỷ đồng… Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, cùng với sự tài trợ vốn của Agribank Krông Pắk nên công ty có được những kết quả khả quan, vượt qua giai đoạn khó khăn của hậu dịch bệnh Covid-19.
...và giúp những cánh đồng lúa của bà con thêm trĩu bông |
Góp phần tạo bứt phá cho du lịch văn hoá, cộng đồng
Đến với Măng Đen (Kon Tum) vào những dịp cao điểm, khách du lịch phải đặt phòng từ hơn một tháng trước mới có chỗ lưu trú. Đây là điều đáng mừng cho sự khởi sắc đối với hoạt động du lịch ở Kon Tum.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, những tháng đầu năm 2023, ngành du lịch của địa phương tiếp tục khởi sắc. Trong 7 tháng đầu năm 2023, số lượng du khách và thu nhập từ du lịch ngày càng tăng. Tổng lượt khách đến hơn 1.047.200 lượt, tăng 120,37% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng khách quốc tế 2.116 lượt; tổng doanh thu chuyên ngành 410 tỷ đồng, tăng 182,07% so với cùng kỳ; công suất phòng đạt 65%, tăng 155% so với cùng kỳ.
Ngành du lịch của tỉnh Kon Tum khởi sắc bởi các cấp, ngành, địa phương chú trọng tổ chức nhiều hơn các hoạt động, chương trình quảng bá du lịch phong phú, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Chất lượng dịch vụ và tình hình an ninh trật tự tại các điểm du lịch luôn được đảm bảo, được du khách đánh giá cao.
Một trong những điểm sáng về thu hút khách du lịch là huyện Kon Plong (Kon Tum) - nơi có Măng Đen được ví như Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam. Thời điểm này, trở lại Măng Đen, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt. Những khu biệt thự, khu du lịch một thời bỏ hoang, vắng lặng không còn nữa. Thay vào đó, các khu du lịch được chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tư bài bản, đi kèm với đó là sự bảo vệ môi trường thiên nhiên và phục dựng các nét văn hoá của người đồng bào bản địa... đã tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen Đại Ngàn chia sẻ, doanh nghiệp chú trọng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng từ những năm 2014, với số vốn khởi nghiệp khoảng 200 triệu đồng. Qua gần 10 năm kiên trì làm và phát triển du lịch cộng đồng, đến thời điểm này, doanh nghiệp hiện có doanh thu ổn định mỗi năm trên gần chục tỷ đồng, với nhiều mảng dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống… giải quyết cho hơn 20 lao động người đồng bào địa phương.
Một điều khá thú vị khi được biết chị Trang là người Kinh, theo bố mẹ từ nhỏ đến Măng Đen lập nghiệp làm ăn. Lớn lên từ vùng đất đáng yêu ấy, sau khi học xong đại học, chị quyết định quay trở lại địa phương để lập nghiệp. Với sự kiên trì phát triển du lịch gắn trách nhiệm với cộng đồng và bảo tồn văn hoá địa phương, người dân địa phương đặt cho Trang biệt danh thật đáng yêu “Y Trang”. Bởi chị Trang luôn gắn kết, tạo điều kiện để những người đồng bào cùng vươn lên trong cách làm ăn, cải thiện đời sống…
“Muốn phát triển du lịch cộng đồng, thu hút được khách du lịch, không còn cách nào khác là vận động và cùng bà con bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số… Đặc biệt, phải tái tạo rừng, tái tạo thiên nhiên đã bị mất bởi bàn tay con người... Tuy nhiên, để có trái ngọt như hôm nay, chính là nhờ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự đồng hành của bà con; nhất là sự đầu tư vốn của Agribank Kon Tum, giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư và tự tin bước trên con đường đã chọn”, chị Trang chia sẻ.
Không riêng chị Trang, Giám đốc trẻ Trần Hoà Hiệp, Công ty cổ phần Măng Đen chia sẻ, anh quê ở Hoài Đức (Hà Nội) vào Đồng Nai lập nghiệp làm ăn. Sau một lần đến với Măng Đen thấy cảnh vật nơi đây tuyệt vời, rất giống với châu Âu, nơi đã từng đến học tập và sinh sống. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng muốn làm một cái gì đó để có cái níu chân du khách mỗi khi đến đây. Với suy nghĩ đó, Hiệp đã quyết định đưa cả gia đình từ Đồng Nai về Măng Đen làm du lịch...
Anh Hiệp cho hay, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để mua lại một khách sạn cùng nhiều khu đất làm khu phố đi bộ và khu vui chơi, nhà hàng ẩm thực để phục vụ du lịch. Tại khu phố đi bộ, anh đầu tư gần 20 ki-ốt để mời bà con địa phương vào bán các sản phẩm đặt trưng của Măng Đen phục vụ du khách. Những ki-ốt này được hoàn toàn miễn phí cho thuê, chỉ thu tượng trưng tiền điện nước… Đây là hoạt động ý nghĩa, nhằm tạo một cộng đồng làm du lịch, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào địa phương. Anh Hiệp khẳng định, để làm được và đạt kết quả như ngày nay, chính nhờ sự đầu tư vốn của Agribank Kon Tum. Đây là yếu tố quyết định, giúp doanh nghiệp vững tin đầu tư phát triển du lịch tại miền đất hứa Măng Đen…