Tái cấu trúc nền kinh tế: Chất chưa thay đổi nhiều
Ảnh minh họa |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn từ năm 2013-2014 năng suất lao động dần được cải thiện. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, chất lượng chính sách cho DN đã được cải thiện qua việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… trong năm 2014. Theo đó, họ cũng đưa ra thang điểm rất cao đối với điều hành vĩ mô bằng các chỉ số tự do kinh doanh, đầu tư hạ tầng, đạt được kết quả bất ngờ.
Tuy nhiên WB cũng nhìn nhận, dựa theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu thì sự phát triển của thị trường tài chính mới cải thiện nhẹ trong năm 2014, thông qua việc cấp vốn cho nền kinh tế là điểm sáng rõ nét nhất, mặc dù các NHTM còn nhiều khó khăn. Một số định chế tài chính quốc tế cho rằng, Việt Nam phải tận dụng tốt hơn ở lợi thế nhân công giá rẻ để nâng hiệu suất cho nền kinh tế hướng về xuất khẩu.
TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong Nghị quyết 86 của Quốc hội về nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế có đặt thêm mục tiêu quan trọng là đến quý II/2015 phải hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương. Đầu năm 2015, đề án tái cơ cấu ngành xây dựng được phê duyệt sau hai đề án tái cơ cấu ngành công thương và giao thông vận tải.
Theo ông Lịch, hầu hết định hướng rất tích cực song quá trình thực hiện vẫn chưa cụ thể, dẫn đến kết quả chưa cao. Để có chuyển biến mạnh mẽ về “chất” từ năm 2015 cần có mục tiêu tăng năng suất lao động, phát triển thị trường lao động đồng bộ với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Cân đối cung - cầu lao động, chuyển dịch cơ cấu việc làm hợp lý, đẩy mạnh công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, tăng tính liên kết vùng.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia trong nhóm RongViet Research cho rằng, để có sự thay đổi về chất, Việt Nam phải hoàn thiện và trình Quốc hội dự án Luật Quy hoạch ngành và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và bán vốn DNNN.
Lý do này được đưa ra vì năm 2014, số lượng DNNN cổ phần hóa có 143 và Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), thoái vốn ra ở 72 DN. Như vậy còn đến 67% số DNNN phải được cổ phần hóa và 76% số DN mà SCIC phải thoái vốn trong năm 2015. Trong đó có những DN siêu lớn như Tổng công ty Hàng Hải, Đường sắt, Công nghiệp tàu thủy…
Để đảm bảo thực hiện cổ phần hóa và bán vốn theo kế hoạch 2014-2015 thì các khuôn khổ pháp lý nhằm giải quyết những bất cập như chậm trễ niêm yết sau IPO, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước còn lớn phải được sửa đổi và hoàn thiện.
Đơn cử, Nghị định 51 có hiệu lực từ 1/11/2014 cho phép thoái vốn dưới mệnh giá và yêu cầu ở cấp độ cao hơn đối với việc thực thi niêm yết của các DNNN. Theo đó, DN chào bán ra công chúng sau ba tháng phải lên UpCOM, sau một năm phải niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán. Và Nghị định 128 có hiệu lực từ 1/3/2015 mới đây có thể được coi là giải pháp tháo gỡ khó khăn trên khi áp dụng phương thức bán thỏa thuận trực tiếp trong trường hợp chỉ có một đơn vị đăng ký mua DN hợp lệ được chấp thuận.
Theo quy định của Nghị định 128, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua DN Việt Nam với tỷ lệ không hạn chế (ngoại trừ một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định tỷ lệ giới hạn).
Theo một chuyên gia tài chính, quyết sách đã có, chỉ còn lại quá trình thực hiện ở lĩnh vực ngành nghề và các địa phương, có thể rút ngắn được quá trình tái cấu trúc nền kinh tế hay không.
Để tái cơ cấu nền kinh tế có chuyển biến mạnh mẽ về “chất”, một chuyên gia trong nhóm RongViet Research cho rằng, để có sự thay đổi về chất, Việt Nam phải hoàn thiện và trình Quốc hội dự án Luật Quy hoạch ngành và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và bán vốn DNNN. |