Tài chính xanh phục hồi nhanh sau đại dịch
TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Covid-19 đã khiến cho bức tranh trên thế giới tự tái tạo lại và một trong những vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm nhất hiện nay là làm sao để tăng trưởng một cách bền vững. Chia sẻ về câu chuyện này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhiều năm qua nhưng cùng với đó cũng phải đối diện thách thức lớn về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thiên tai lũ lụt, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Do đó, thời gian tới, tăng trưởng bền vững là việc trọng yếu của quốc gia, trong đó vai trò của hệ thống tài chính - ngân hàng là một trong những trụ cột.
Thưa ông, tài chính xanh, tín dụng xanh... có vai trò gì trong sự phục hồi bền vững sau đại dịch?
Bảo vệ môi trường không phải mới được đặt ra, tại nhiều quốc gia trên thế giới thì câu chuyện này đã được đề cập từ khá lâu rồi. Điển hình là các hợp đồng tín dụng của họ có cam kết không sử dụng nguồn vốn vay này cho các hoạt động kinh tế gây huỷ hoại, ảnh hưởng tới môi trường, trở thành điều khoản mang tính chuẩn mực trong tất cả hợp đồng tín dụng. Song tại Việt Nam thì chưa nhiều ngân hàng làm được chuyện này. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra mới đây, đề xuất của Nhóm công tác VBF đưa ra có liên quan tới đẩy mạnh vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tài chính xanh, kết hợp với việc hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh Covid-19.
Phải khẳng định rằng, tín dụng xanh là một khái niệm rộng. Nó có thể bao gồm tín dụng tài trợ cho các chương trình, dự án bảo vệ môi trường; tín dụng tài trợ về kỹ thuật, công nghệ môi trường như điện gió, điện mặt trời…, cũng bao gồm cả những điều khoản trong tín dụng thông thường để khách hàng của ngân hàng không sử dụng số tiền vay này với những hoạt động tổn hại tới môi trường. Đó là những yếu tố đảm bảo sự phục hồi bền vững sau đại dịch. Chính bởi vậy một định nghĩa cụ thể về danh mục, ngành, lĩnh vực xanh thống nhất, áp dụng chung trên cả nước để các tổ chức kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng có thể làm cơ sở ra quyết định cho vay có ý nghĩa lớn.
Như ông nói, tài chính xanh, tín dụng xanh là vấn đề mang tính dài hạn. Theo ông, hệ thống ngân cần chuẩn bị điều gì?
NHNN với vai trò quản lý trong những năm gần đây đã có những động thái rất tích cực đối với việc tăng cường đẩy mạnh tín dụng xanh thông qua một số văn bản, chính sách tạo điều kiện để phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn nữa, tôi cho rằng NHNN cần khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý cụ thể hơn về tín dụng xanh như tiêu chuẩn cấp tín dụng xanh, danh mục ngành/lĩnh vực xanh; các chính sách ưu đãi đối với các NHTM thực hiện cấp tín dụng xanh; phát hành trái phiếu xanh…
Bản thân các NHTM phải hiểu trách nhiệm của mình với môi trường, với sự phát triển bền vững của quốc gia. Còn nếu như chỉ chăm chăm nghĩ tới lợi nhuận thì sẽ rất khó để đi đường dài được. Tín dụng xanh sẽ gia tăng chi phí cho các ngân hàng. Bởi cấp tín dụng cho những dự án xanh thường là những dự án lớn, mang tính dài hơi, nhưng những chi phí đó cần được hiểu là đầu tư của ngân hàng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai. Việc không làm gì mới chính là tổn thất. Mỗi ngân hàng cũng cần có những cách thức để góp phần nâng cao nhận thức của khách hàng, vì bảo vệ môi trường là sự cộng hưởng trong hành động của từng cá nhân, từng tổ chức...
Ngoài ý thức bảo vệ môi trường, những thách thức nào còn đặt ra với các ngân hàng trong cấp tín dụng, thưa ông?
Chính từ nhận thức chưa cao nên việc phát triển các sản phẩm tài chính xanh trong các ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn khá sơ sài, nguồn tài chính để cấp cho các dự án này vẫn còn eo hẹp. Chúng ta cũng không thể đặt kỳ vọng ngay lập tức là các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ rót vốn nhiều hơn cho các dự án tín dụng xanh được, bởi như đã nói ở trên, chi phí đầu tư là không nhỏ. Tuy nhiên, những ngân hàng chiếm thị phần lớn thì nên là đầu tàu dẫn dắt trong vấn đề này. Khi có người “cầm cờ” và nhìn thấy được những lợi ích mang lại thì có thể tạo hiệu ứng tốt để các ngân hàng nhỏ hơn theo chân.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thông qua các hội thảo, diễn đàn bàn luận về lĩnh vực tài chính xanh, tín dụng xanh cũng như những lợi ích mang lại đối với môi trường và sự phát triển bền vững của nền kinh tế sẽ phần nào định hướng được cho các ngân hàng triển khai và đẩy mạnh vấn đề này hơn.
Xin cảm ơn ông!