Tài trợ thương mại chưa được khai thác hiệu quả
ADB tăng hạn mức tài trợ thương mại cho Eximbank lên 75 triệu USD Khoảng cách tài trợ thương mại toàn cầu tăng lên mức 2,5 nghìn tỷ USD năm 2022 |
Tài trợ thương mại trong nước còn thấp
Báo cáo chung của IFC và WTO cho thấy, tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam không những chưa phổ biến mà còn có chi phí cao, phân tán và mới chỉ dừng ở việc cung cấp các nghiệp vụ cơ bản. Năm 2022, các ngân hàng tại Việt Nam chỉ tài trợ thương mại cho 21% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trị giá 731 tỷ USD của cả nước.
Điều đáng chú ý là các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia thương mại trong khu vực hơn là các công ty đa quốc gia lớn tham gia thương mại toàn cầu. Nhiều công ty con của các công ty đa quốc gia trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao và giá trị lớn như điện tử và may mặc ít phụ thuộc hơn vào tài trợ thương mại mà trong đó ngân hàng trong nước đóng vai trò trung gian.
Dự báo các kịch bản tác động đến kim ngạch xuất nhập khẩu tăng thêm tùy theo mức độ cải thiện của tài trợ thương mại (nguồn: Báo cáo chung của IFC và WTO) |
Nghiên cứu của IFC-WTO cho biết, theo phản hồi khảo sát của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, yêu cầu cao về tài sản thế chấp và quy trình thẩm định phức tạp là hai trong nhiều lý do chính khiến họ không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các ngân hàng. Về phía cung, trong năm 2022, các ngân hàng Việt Nam từ chối trung bình 12% số yêu cầu tài trợ thương mại - chủ yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - tương đương với khoảng 20,3 tỷ USD nhu cầu chưa được đáp ứng. Nguyên nhân được cho là do thiếu tài sản thế chấp và rủi ro tín dụng cao. Bên cạnh đó, hoạt động tài trợ thương mại của các ngân hàng mới chủ yếu xoay quanh các công cụ truyền thống, các công cụ phi truyền thống - như tài trợ theo chuỗi cung ứng và dựa trên các dịch vụ số hóa - chưa được sử dụng nhiều cũng là yếu tố khiến tài trợ thương mại trong nước chưa được như kỳ vọng.
Nghiên cứu có tiêu đề “Báo cáo chung IFC-WTO: Tài trợ thương mại tại khu vực Mê Kông”, nằm trong loạt khảo sát về tài trợ thương mại ở các khu vực. Nghiên cứu này sử dụng kết quả khảo sát các ngân hàng ở ba nền kinh tế thuộc khu vực hạ lưu vực sông Mê Kông gồm Việt Nam, Campuchia và Lào để nghiên cứu, đánh giá sự thiếu hụt tài trợ thương mại ở các quốc gia này và gợi ý các giải pháp để mở rộng tài trợ thương mại, phân tích những cơ hội từ tài trợ thương mại để thúc đẩy thương mại, tăng trưởng, và cải thiện sinh kế cho người dân. |
Nhằm làm rõ hơn về thực trạng và các cơ hội mở rộng tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó hỗ trợ các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu trong nước tăng cường giao thương quốc tế với sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các ngân hàng, vừa qua tại Hà Nội, nhóm tác giả báo cáo đến từ IFC và WTO đã có buổi thảo luận với đại diện các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng thương mại Việt Nam. Theo ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, do tài trợ thương mại trong nước của Việt Nam hiện tập trung chủ yếu vào các nhà sản xuất trong nước nên việc mở rộng phạm vi tài trợ thương mại sẽ không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam mà quan trọng hơn là thúc đẩy sản xuất, tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và lan tỏa đồng đều hơn lợi ích của thương mại giữa các nhà sản xuất trong nước.
Ông Marc Auboin, chuyên gia của WTO cho biết ở các quốc gia tiên tiến, mức độ sử dụng tài trợ thương mại lên tới 60%, trong khi ở các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, tài trợ thương mại chỉ khoảng 20%. Theo chuyên gia này, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh trong 10 năm vừa qua, đòi hỏi hoạt động tài trợ thương mại trong nước cần đóng góp nhiều hơn trong quá trình này, nhất là khi tham gia của quốc gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng lớn hơn.
Đẩy mạnh tài trợ chuỗi cung ứng
Thực tế phần lớn hoạt động tài trợ thương mại mới chỉ được thực hiện qua các công cụ truyền thống, bà Trần Thu Trang, chuyên gia kinh tế cao cấp của IFC cho rằng, dư địa để thúc đẩy thời gian tới chính là việc các ngân hàng có thể tập trung vào phát triển các công cụ mới như tài trợ chuỗi cung ứng và các dịch vụ số hóa sáng tạo để giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận. Chuyên gia này cho rằng, công cụ tài trợ chuỗi cung ứng nếu được khai thác tốt sẽ tạo thuận lợi nhiều cho các DNNVV - khu vực hiện đang gặp khó khăn và có khả năng tiếp cận tài trợ thương mại kém hơn so với các doanh nghiệp lớn.
Để phát triển được các công cụ tài trợ mới như vậy, báo cáo chung của IFC-WTO khuyến nghị: một mặt cần hoàn thiện khung pháp lý nhằm giải quyết các yêu cầu về tài sản thế chấp, giao dịch số hóa, các điều kiện của NHTW và khung trách nhiệm giải trình; đồng thời đề xuất nâng cao nhận thức của các DNNVV và các nhà cung cấp trong nước về cách thức tiếp cận tài trợ thương mại.
Cho ý kiến về giải pháp tăng cường tài trợ thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, ngành Ngân hàng không phân biệt doanh nghiệp lớn hay DNNVV mà đều mong muốn cho vay, mở rộng tệp khách hàng của mình. Tuy nhiên, vấn đề là không ít các DNNVV hiện vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của các ngân hàng khiến rủi ro tín dụng cao, các ngân hàng e dè trong việc cung cấp các khoản tài trợ thương mại. Để cải thiện tình trạng này, các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng đáp ứng điều kiện của các TCTD bằng việc nâng cao tính minh bạch về báo cáo tài chính, quản trị…, từ đó tạo niềm tin cho các ngân hàng trong hoạt động cho vay.
Bên cạnh đó, cũng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động tài trợ thương mại. Ông Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng, việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua mới đây sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn, đồng thời mong chờ sớm ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn luật này để tạo điều kiện cho hoạt động tài trợ thương mại phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo ông Đinh Ngọc Dũng - Phó giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, SHB, khi tham gia vào hoạt động tài trợ thương mại nói chung và tài trợ chuỗi cung ứng nói riêng, ngân hàng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, từ tối ưu hóa trong mua bán hàng hóa, đến cung cấp các sản phẩm, dịch vụ. Bởi ngoài việc tham gia tài trợ cho các doanh nghiệp, cung cấp các phương thức thanh toán như phát hành L/C, bao thanh toán… ngân hàng còn tham gia tư vấn cho khách hàng về thông tin tiếp cận thị trường và đánh giá uy tín của đối tác để giảm thiểu rủi ro cho các bên.
Tuy nhiên, năng lực quản trị, minh bạch hóa thông tin của các doanh nghiệp còn hạn chế vẫn là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong việc mở rộng hoạt động tài trợ thương mại. Bên cạnh đó, để mở rộng hoạt động này, ngân hàng cũng sẽ phải đầu tư chi phí không nhỏ cho số hóa, công nghệ trong khi để thu hồi được vốn trong tài trợ chuỗi cung ứng cần thời gian dài. Mặc dù vậy đại diện SHB cũng kỳ vọng cùng với nỗ lực của IFC, các doanh nghiệp và các bên liên quan, hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.