Tài trợ tín dụng theo chuỗi giá trị
Ngân hàng theo sát doanh nghiệp
Tháng 5 vừa qua, với sự hậu thuẫn của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), HDBank đã tung ra thị trường gói tài trợ chuỗi (SCF) trị giá 1 tỷ USD. Gói tín dụng lớn này được HDBank tập trung vào các lĩnh vực vật liệu xây dựng, kinh doanh nông sản, hàng tiêu dùng nhanh, công nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ xăng dầu.
Theo đó, để tài trợ vốn hiệu quả đối với từng nhóm hàng, ngân hàng này đã xây dựng riêng ứng dụng số eFactoring. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký vào ứng dụng là có thể ứng vốn bao thanh toán dựa trên tài sản đảm bảo là công nợ đã hình thành. Tỷ lệ vốn ứng trước tối đa lên tới 85% giá trị khoản phải thu hoặc khoản phải trả; trong khi lãi suất và các loại phí đều được ưu đãi so với các khoản vay thương mại thông thường. Với 1 tỷ USD nhận được từ IFC, HDBank dự kiến sẽ tài trợ cho các chuỗi cung ứng trong ba năm 2022-2025.
TCTD mở rộng hợp tác với các chuỗi bán lẻ nhằm tận dụng nguồn tiền mặt hàng ngày |
Trước đó, từ đầu năm 2022 đến nay, lần lượt các NHTM như NamABank, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, MB, TPBank, MSB… cũng đều công bố tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng hàng hóa, sản xuất, xuất khẩu. Chẳng hạn, đầu năm 2022, sau khi ký kết hợp tác chiến lược với tập đoàn Masan, Techcombank đã triển khai sản phẩm tài trợ vốn cho các đại lý, nhà phân phối hàng hóa của doanh nghiệp này trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, khách hàng chỉ cần là đối tác, đại lý của Masan, có thể vay thấu chi từ Techcombank để thanh toán tiền hàng cho Masan với thời gian vay linh hoạt theo chu kỳ vòng quay dòng tiền chứ không cố định 3 hay 6 tháng.
NamABank cũng là ngân hàng mạnh dạn đầu tư 30.000 tỷ đồng hợp tác chiến lược với Tập đoàn Nam Miền Trung để hình thành gói tài trợ vốn cho chuỗi giá trị ngành tôm trong các năm 2022-2025. Với gói tín dụng lớn này, NamABank kỳ vọng cung cấp toàn diện các giải pháp tài chính cho chuỗi liên kết “4 nhà” ở ngành tôm nhằm gia tăng năng lực đầu tư hạ tầng, thanh toán và tăng giá trị kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong chuỗi liên kết.
Một hợp tác chủ động khác trong việc tài trợ chuỗi cung ứng sản xuất, xuất khẩu là hợp tác giữa Tập đoàn Lộc Trời và nhóm các ngân hàng: Vietcombank, TPBank, HDBank và MSB. Theo đó, trong năm nay, các ngân hàng cam kết tài trợ 5.000 tỷ đồng để Lộc Trời xây dựng chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ các vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến lúa gạo, nông sản.
Trong khi đó ở lĩnh vực chăn nuôi, hiện VietinBank và VPBank là hai ngân hàng đầu tư khá mạnh trong việc phát triển các mô hình chuỗi giá trị khép kín 3F (Feed - Farm - Food). VPBank đã hợp tác với Tập đoàn C.P Việt Nam triển khai sản phẩm tài trợ vốn vay tín chấp (tối đa 3 tỷ đồng) cho các đại lý phân phối. VietinBank đầu tư hạn mức tín dụng 5.000 tỷ đồng, chỉ tập trung cho vay các doanh nghiệp đầu tư trang trại chăn nuôi khép kín 3F để cho thuê với lãi suất vay trung dài hạn ưu đãi 8%/năm.
Quỹ đầu tư và fintech mở rộng kết nối chuỗi
Theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng, hiện nay hoạt động tài trợ tín dụng cho chuỗi cung ứng hàng hóa và sản xuất hàng hóa xuất khẩu, ngoài sự chủ động từ các NHTM, thì sự tham gia của các fintech cũng như các quỹ đầu tư cũng khá sôi động.
Đầu năm 2022, Validus Việt Nam - một nền tảng hỗ trợ tài chính số cho doanh nghiệp tại Đông Nam Á đã phối hợp với Tập đoàn TTC và quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures triển khai mô hình tài trợ vốn cho các DNNVV lĩnh vực bất động sản, y tế và thể thao. Liên danh này hiện đang phối hợp với các ngân hàng tài trợ vốn cho chuỗi siêu thị như Bách Hóa Xanh, hệ thống nhà thuốc Long Châu, Pharmacity, được đánh giá là khá hiệu quả, kịp thời và tiện lợi.
Quan sát cho thấy, hiện nay nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư, hợp tác hoặc mua lại các fintech để triển khai các dịch vụ kết nối cho vay và tài trợ vốn cho hệ thống chuỗi và phục vụ hệ sinh thái khép kín của mình. Chẳng hạn, thời gian qua, Tập đoàn Masan đã đầu tư 65 triệu USD, mua lại 25% cổ phần của Trusting Social. Từ thương vụ này, Masan lấn sân sang mảng tài chính bằng việc hợp tác với các NHTM phát hành thẻ tín dụng cho các tệp khách hàng trong Masan Group, đồng thời tiến hành xây dựng các sản phẩm tín dụng chuỗi giá trị dựa trên hợp tác giữa Trusting Social và các NHTM tại Việt Nam.
Hay mới đây, Tập đoàn VNG cũng đã hoàn tất thương vụ đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies – một nền tảng tài trợ vốn trực tuyến cho các DNNVV tại Đông Nam Á. Bằng thương vụ này, VNG kỳ vọng hình thành hệ sinh thái tài chính khép kín, giúp các thành viên và đối tác VNG Group tiếp cận các khoản vay nhỏ kịp thời, đồng thời phát triển mạnh các dịch vụ tài chính tiêu dùng thông qua ví điện tử ZaloPay mà Funding Societies đang phát triển mạnh tại Việt Nam.
Ở khía cạnh tài chính tiêu dùng, hiện việc hợp tác phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng cũng được các quỹ đầu tư, các tập đoàn kinh tế và fintech thúc đẩy hợp tác rất mạnh. Có thể kể đến những hợp tác gần đây, như hợp tác giữa VietCredit với VietnamPost và Tập đoàn Hitachi dự kiến phát triển mảng thẻ tín dụng nội địa. Hợp tác giữa các ngân hàng BIDV, MB, HDBank, MSB, PvcomBank… với các trường đại học để triển khai các nhóm sản phẩm tín dụng học đường, hợp tác giữa CIMB Việt Nam và F88 nhằm xây dựng các sản phẩm cho vay tín chấp tiêu dùng dành cho người thu nhập thấp…
Tất cả những diễn biến trên cho thấy hoạt động cạnh tranh hình thành và phát triển các mô hình tài trợ vốn đang rất nhộn nhịp. Xu hướng tài trợ vốn theo các hệ sinh thái và các chuỗi giá trị khép kín đang ngày càng được nhiều TCTD và các tập đoàn kinh tế lớn coi trọng, vì thế tốc độ và quy mô mở rộng của các sản phẩm, dịch vụ tài chính trong nhóm tài trợ chuỗi được dự báo ngày càng lớn và hoàn thiện hơn.