Tạm gác lại nỗi lo lạm phát
Nới “room” tín dụng: Áp lực lên lạm phát không lớn | |
Chính phủ nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát | |
Thống nhất kịch bản tăng trưởng 3-4%, lạm phát dưới 4% |
Bớt lo khi ẩn số đã rõ xu hướng
Hiện gần như không còn dự báo nào bàn tới khả năng lạm phát có thể bùng phát trong năm nay, khi giá thịt lợn - một trong rủi ro chính trong nước có thể đẩy lạm phát cao ở nửa đầu năm nay - đã giảm nhanh chóng trong những ngày gần đây. Đồng thời giá năng lượng được dự báo cũng khó hồi phục mạnh khi Covid-19 vẫn phức tạp trên toàn cầu. Như vậy đến thời điểm hiện tại theo các chuyên gia, đã có thể yên tâm với mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay.
Giá xăng dầu được dự báo sẽ đứng ở mức thấp do nhu cầu sụt giảm vì đại dịch Covid |
Theo ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, các yếu tố rủi ro có thể gây áp lực đối với lạm phát luôn có nhưng rõ ràng ít có khả năng xảy ra trong phần còn lại của năm nay. Ví dụ giá thịt lợn, một cấu phần tác động rất lớn đến nhóm lương thực, thực phẩm – chiếm tỷ trọng lớn trong CPI – nay đã có xu hướng giảm ổn định và sẽ khó tăng nhanh trở lại. Giá năng lượng dù vẫn có những biến động nhưng dự báo cũng chỉ xung quanh mức hiện nay, thậm chí còn giảm thêm nên cũng sẽ không tạo áp lực với lạm phát. Một yếu tố khác có thể tạo áp lực với lạm phát là tỷ giá. Nhưng diễn biến tỷ giá hiện nay khá ổn định nên cũng không có gì đáng quan ngại.
“Các yếu tố từ phía cung cho thấy sẽ không có áp lực lớn nào đến lạm phát, trong khi đó từ phía cầu, chúng ta thấy sức tiêu dùng giảm và thậm chí còn tiếp tục giảm nên rõ ràng áp lực đối với lạm phát trong năm nay là không lớn”, ông Cường nói và cho rằng, yếu tố lạm phát mang tính chu kỳ (giá thường tăng vào cuối năm do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng) cũng ít khả năng xảy ra trong năm nay do bối cảnh tác động rất khác biệt của Covid-19 khiến thu nhập của người dân, DN giảm làm cho nhu cầu yếu đi.
Hồi tháng 6, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng hai “ẩn số” có thể ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất tới mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay là giá xăng dầu và giá thịt lợn. Tuy nhiên đến nay, cả hai “ẩn số” này đã rõ ràng hơn và đều theo hướng thuận cho kiểm soát lạm phát.
“Những quan ngại đã không xảy ra khi giá xăng dầu ổn định ở mức thấp và giá thịt lợn cũng giảm nhanh. Nên tôi thấy giờ không còn rủi ro gì đáng kể với lạm phát trong ngắn hạn và chúng ta có thể yên tâm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay”, TS. Độ nói. Với lạm phát bình quân ở mức trên 4% nửa đầu năm và dự báo khoảng 3% trong nửa cuối năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, chuyên gia này cho rằng cả năm nay lạm phát bình quân sẽ chỉ khoảng 3,5%. “Khi đã đi được nửa chặng đường rồi thì thấy mọi thứ rõ ràng và dễ dàng hơn rất nhiều”, TS. Độ khẳng định.
Các áp lực trong trung hạn
Nhưng vẫn không thể chủ quan. Xu hướng lạm phát tiếp tục giảm vừa là yếu tố đáng mừng nhưng cũng chứa đựng những tín hiệu đáng quan ngại, nhất là khi cầu tiêu dùng suy giảm do thu nhập giảm vì Covid. Từ đó cho thấy vấn đề hạn chế được tối đa thu nhập giảm, thất nghiệp cần là ưu tiên trong lúc này để duy trì, phục hồi sức cầu.
Từ góc nhìn của mình, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, mặc dù các yếu tố, đặc biệt từ tổng cầu suy giảm cho thấy không có nhiều áp lực đối với lạm phát trong ngắn hạn tuy nhiên vẫn có những yếu tố có thể đẩy lạm phát lên trong tương lai. Trong đó, các chi phí công, như thông qua đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; các gói hỗ trợ, chi phí y tế để đối phó với đại dịch Covid-19… sẽ là những yếu tố có thể đẩy lạm phát lên. “Diễn biến dịch bệnh Covid-19 thời gian tới thế nào sẽ là yếu tố quan trọng. Nếu dịch bệnh không nghiêm trọng lên, chúng ta kiểm soát tốt thì lạm phát sẽ khó vượt lên trên 4%. Ngược lại nếu dịch bệnh diễn biến bất lợi, buộc Chính phủ phải ra tay mạnh hơn, đẩy mạnh chi tiêu hơn để đối phó thì có thể sẽ khiến áp lực với lạm phát tăng lên”, TS. Hiếu nhận định.
Đồng quan điểm về việc giải ngân đầu tư công tăng mạnh có thể phần nào gây áp lực lên lạm phát nhưng ông Nguyễn Minh Cường cho rằng áp lực này sẽ không xảy ra trong năm 2020. “Tôi cho rằng, ít nhất phải trong năm 2021 thì mới xuất hiện áp lực này”, ông Cường nói và bổ sung thêm, với dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể tăng mạnh trên nền thấp của 2020, áp lực đối với lạm phát vì thế cũng sẽ tăng lên đôi chút, song sẽ vẫn quanh ngưỡng mục tiêu đặt ra.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, thậm chí sang năm 2021 lạm phát vẫn không phải là vấn đề đáng lo ngại. “Có thể đến năm 2022 thì lạm phát mới trở thành vấn đề đáng quan tâm, vì những yếu tố như với bên ngoài, đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp và kinh tế thế giới khả năng phải đến năm 2022 mới phục hồi nhanh trở lại, khi đó sẽ đẩy giá dầu tăng mạnh. Ở trong nước, cung tiền giai đoạn 2018-2019 tăng tương đối nhiều và có thể sẽ cho thấy tác động sau 3-4 năm, cùng với đó là những tác động có độ trễ của giải ngân đầu tư công, nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh trở lại…”, TS. Độ nói.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, trừ những yếu tố tác động trực tiếp ngay đến lạm phát như giá hàng hóa lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu, còn các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế, cung tiền… sẽ có độ trễ. Vì thế nên không chỉ năm nay mà có thể cả năm sau lạm phát không có gì đáng lo.