Thống nhất kịch bản tăng trưởng 3-4%, lạm phát dưới 4%
Tham dự cuộc họp có Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Không lơ là chủ quan trong điều hành chính sách
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua, đứng trước khó khăn nhiều mặt nhưng đã nỗ lực điều hành đúng, linh hoạt, kịp thời, mang lại sự phát triển, ổn định xã hội và niềm tin cho nhân dân. Theo đó, Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh sớm nhất, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, các cân đối lớn của nền kinh tế đều giữ vững.
Các chính sách hỗ trợ về tiền tệ được đánh giá rất tích cực |
Báo cáo công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ, mở rộng tín dụng lành mạnh. Mặt khác, NHNN đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất điều hành. So với đầu năm, lãi suất điều hành giảm 1,0 đến 1,5%/năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,6-0,75%/năm, trần lãi suất cho vay VND các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm (hiện 5%/năm), hỗ trợ TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Trong điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm 2020, để kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN đã ban hành Thông tư 01 với nhiều cơ chế đột phá, tạo hành lang pháp lý rộng để TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng... Để hỗ trợ hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế sau dịch, NHNN đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 với một số nội dung cơ bản là mở rộng phạm vi nợ được cơ cấu lại.
Trao đổi với phóng viên, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, trong các gói hỗ trợ mang lại kết quả tích cực bước đầu cho nền kinh tế, gói hỗ trợ liên quan đến chính sách tiền tệ được các thành viên Hội đồng đánh giá tốt hơn.
Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng Thủ tướng và các thành viên trong Hội đồng đều cho rằng đây mới là thành công bước đầu, không được chủ quan. Bởi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh. “Điều đáng sợ nhất hiện nay là dịch bệnh quay lại”, TS. Trần Du Lịch bày tỏ lo ngại.
Trong bối cảnh đó, TS. Võ Trí Thành cho biết, các thành viên trong Hội đồng đề nghị cần phải chuẩn bị kịch bản kinh tế với các gói chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022. Đặc biệt phải ráo riết giải ngân đầu tư công và thực hiện thật nhanh các gói hỗ trợ đã ban hành gồm gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài chính hơn 180.000 tỷ đồng… TS. Trần Du Lịch cũng nhận xét, việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, cần đẩy mạnh hơn. Các gói chính sách phải mang tính dài hạn bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III/2020 mới “thấm đòn” do đứt gãy các hợp đồng.
Kiên quyết thực hiện mục tiêu kép
Phát biểu kết luận, ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao NHNN, cơ quan thường trực của Hội đồng và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo kiến nghị của Hội đồng tại cuộc họp để Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước về vĩ mô tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng đánh giá Việt Nam có cơ hội lớn trong phát triển, đó là sớm khống chế dịch bệnh, nền tảng vĩ mô ổn định, môi trường thuận lợi, vì vậy cần phải có chính sách mới, chủ động hơn nữa, tích cực và trách nhiệm hơn nữa; trong đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch quay trở lại.
Đồng tình với yêu cầu định hướng điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ để đạt hai mục tiêu là kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành, song Thủ tướng lưu ý, cần phải thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường quốc tế, thị trường trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời.
Về kịch bản tăng trưởng kinh tế, Hội đồng thống nhất tăng trưởng kinh tế năm nay từ 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật để có kịch bản tăng trưởng theo từng quý và có giải pháp đồng bộ. Hội đồng cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp trong các Nghị quyết 11, 42 và 84 của Chính phủ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân. Cùng với đó là nghiên cứu dài hơi các giải pháp hỗ trợ, kích thích nền kinh tế từ nay đến năm 2021, xác định nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong các ngành, lĩnh vực cả trong ngắn hạn, dài hạn, trung hạn.
Thủ tướng cũng đặt mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4% GDP để có thêm nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống DN, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
“Ngành Ngân hàng tiếp tục xem xét hạ lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Ngành tài chính tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí; các bộ, các ngành, các địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công...”, Thủ tướng chỉ đạo.