Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước: Vì lợi ích của nền kinh tế
Cơ hội tăng vốn đã mở
Đầu tháng 10/2020 đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018. Theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định 91 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 32 nội dung: Lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng TMCP Nhà nước gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV đã có cửa tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Còn với Agribank, Quốc hội cũng đã nhất trí tăng tối đa 3.500 tỷ đồng vốn cho ngân hàng này từ nguồn ngân sách.
Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn trong năm 2021 |
Trao đổi với phóng viên, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính nhấn mạnh, ngân hàng là một trong những lĩnh vực cực kỳ quan trọng, cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế quốc dân cũng như các DN trong nền kinh tế. Đối với các ngân hàng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Nhà nước nên tiếp tục tăng phần vốn của mình như quy định mới là hợp lý trong xác lập vị thế, đảm bảo mức độ điều hành, quản lý của nhà nước.
Cùng chung quan điểm, một chuyên gia tài chính cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành Ngân hàng thì việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước càng khẩn thiết hơn.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, song các NHTM Nhà nước luôn đi tiên phong trong việc triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, chỉ tính riêng 4 NHTM Nhà nước, tổng số tiền cam kết hỗ trợ DN lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn vốn mỏng đang làm giảm khả năng hỗ trợ của các NHTM Nhà nước, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn. Bởi vậy việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước cũng đồng nghĩa với việc giúp các ngân hàng này tăng thêm khả năng cung ứng vốn cho cộng đồng DN, cho nền kinh tế phục hồi sau dịch.
Không chỉ vậy, hiện các NHTM Nhà nước còn đóng vai trò trụ cột trong hệ thống các TCTD. Bởi vậy theo các chuyên gia, việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước cũng chính là gia tăng sức chống chịu của hệ thống TCTD trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu không sớm được cấp vốn, các NHTM Nhà nước sẽ khó làm tốt nhiệm vụ “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Củng cố "tấm nệm an toàn" của ngân hàng chính là tạo điều kiện cho các ngân hàng này hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nỗ lực tự thân
Bản thân các NHTM Nhà nước cũng nhận thức rõ điều đó nên thời gian gần đây, các nhà băng này đều nỗ lực để tăng cường năng lực tài chính. Như VietinBank đã hoàn thành tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và ban hành Nghị quyết ĐHĐCĐ số 22/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/11/2020 đối với phương án tăng vốn điều lệ. Việc tăng vốn điều lệ sẽ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ các năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019. VietinBank hiện đang áp dụng hệ số CAR Basel I (Thông tư 22) và sẽ chính thức tuân thủ CAR Basel II (Thông tư 41) sau khi tăng vốn. Nhà băng này thời gian qua đã có nhiều giải pháp để cải thiện nguồn vốn từ nội tại như phát hành trái phiếu thứ cấp, góp vốn, điều chỉnh cơ cấu danh mục tài sản có rủi ro, kiểm soát hệ số rủi ro bình quân…
Hay như Vietcombank, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của ngân hàng này cũng đã thông qua phương án tăng tăng vốn điều lệ gồm hai cấu phần. Cấu phần thứ nhất là phát hành cổ phiếu theo hình thức trả cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 18%; cấu phần còn lại là phát hành riêng lẻ tối đa 6,5% vốn điều lệ tại thời điểm chào bán. SSI cho rằng Vietcombank có thể huy động vốn thành công bằng cách phát hành 6,5% vốn điều lệ trước tăng vốn (6,1% vốn sau tăng vốn) với giá 80.000 đồng/CP trong năm 2021 (Vietcombank đặt mục tiêu hoàn thành trong quý II/2021).
Với BIDV, ĐHĐCĐ thường niên từ đầu năm thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%. Kế hoạch tăng vốn thêm 8,5% thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, hoặc chào bán riêng lẻ nếu hoàn tất sẽ giúp vốn điều lệ của BIDV tăng thêm 15,5% so với cuối 2019. Tăng vốn cũng là nhu cầu khẩn thiết của BIDV, vì hiện hệ số CAR của nhà băng này vẫn khá nhỏ, mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel II.
Về trường hợp của Agribank, Quốc hội đã nhất trí tăng tối đa 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank bằng ngân sách. Tuy nhiên theo Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn, tới đây Agribank được cấp 3.500 tỷ đồng, nhưng sau khi phân phối lợi nhuận 8.900 tỷ đồng của năm 2019 theo phương án đã được NHNN phê duyệt thì hệ số an toàn vốn chỉ còn 8,6%, tính đúng theo Thông tư 41 thì chỉ còn 7% - thấp hơn mức quy định 9%. Như vậy, Agribank không thể tăng trưởng tín dụng mà còn phải giảm. Trong khi hiện Agribank chưa được cổ phần hóa, nên chưa thể trông chờ nguồn vốn ngoại đổ vào.
Về phía cơ quan quản lý, hiện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng đang tích cực triển khai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các thủ tục thực hiện tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Một chuyên gia tài chính nhìn nhận, có thể xem xét một số hình thức khác trong việc bổ sung vốn cho các NHTM Nhà nước nói chung, không nhất thiết phải dùng tới ngân sách, mà thông qua SCIC đầu tư mua cổ phần của các ngân hàng này. “Nhà nước có cách để tăng cổ phần của mình và hỗ trợ đối tượng DN đặc thù này nhưng không nhất thiết phải hỗ trợ như trước đây là dùng ngân sách Nhà nước để rót vào, mà có thể thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu để bổ sung nguồn vốn. Đây có thể xem là biện pháp đầu tư mang tính thị trường hơn”, vị này cho biết.
Ngân hàng là một trong những lĩnh vực cực kỳ quan trọng, cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế quốc dân cũng như các DN trong nền kinh tế. Đối với các ngân hàng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Nhà nước nên tiếp tục tăng phần vốn của mình như quy định mới là hợp lý trong xác lập vị thế, đảm bảo mức độ điều hành, quản lý của nhà nước. PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh |