Tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước: Việc làm cần thiết
Ngân hàng vào mùa tăng vốn | |
Ngân hàng tiếp tục cuộc đua tăng vốn | |
Ngân hàng nỗ lực tăng vốn trung dài hạn |
Theo các chuyên gia, việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước là vô cùng cần thiết bởi hiện các ngân hàng này đang giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống các TCTD. Bên cạnh vai trò cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế, các NHTM Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, hay tham gia vào việc xử lý các TCTD yếu kém.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu rõ: “các NHTM Nhà nước đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế;…”.
Các NHTM Nhà nước luôn đi đầu trong thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp |
Tuy nhiên, tính đến 31/12/2020, mới có 3 trong số 4 NHTM Nhà nước áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II quy định tại Thông tư 41 là Vietcombank, BIDV và VietinBank. Trong khi Agribank vẫn áp dụng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định tại Thông tư 22. Đáng chú ý hệ số an toàn vốn của các NHTM Nhà nước vẫn ở mức khá thấp mà nguyên nhân chủ yếu do vốn điều lệ của các ngân hàng này nhiều năm qua vẫn “dậm chân tại chỗ” hoặc chỉ tăng khá chậm.
Theo báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 7/2021, vốn điều lệ của 4 NHTM nhà nước bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV đạt 159,6 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, để nâng cao năng lực tài chính, hiện 4 NHTM Nhà nước đều rốt ráo triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại. Vào cuối tháng 9/2021, Vietcombank cũng đã được Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.657 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước...
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn phương án tăng vốn tại BIDV chưa được thông qua. Theo như phương án thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%. Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngân hàng cũng dự kiến chào bán thêm 8,5% vốn phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Nhưng hiện tại, kế hoạch tăng vốn của ngân hàng vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.
Hay như với Agribank là NHTM duy nhất Nhà nước giữ 100% vốn, đang trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa, nhưng nguồn vốn từ ngân sách để tăng vốn điều lệ cũng rất hạn chế, dẫn đến tỷ lệ CAR giảm, dư nợ tín dụng tăng chậm. “Mặc dù năm 2020 Agribank cũng đã được Quốc hội chấp thuận cho tăng vốn thêm 3.500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019. Khoản tiền này đúng bằng với lãi sau thuế Agribank sẽ nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng. Đây là mức tăng quá nhỏ so với nhu cầu của Agribank”, một chuyên gia nhận định.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện tại, việc tăng vốn cho các NHTM Nhà nước lại càng trở nên cấp thiết, bởi theo TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Trong thời điểm này, các ngân hàng có vốn nhà nước thực hiện các chính sách của Chính phủ, thành ra họ rất dễ bị tổn thương khi khách hàng vay tiền của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, tuy ngân sách đang khó khăn, song vẫn cần thiết tăng vốn cho 4 NHTM có vốn nhà nước. Các chuyên gia cũng đồng tình, việc tăng vốn điều lệ của 4 NHTM Nhà nước là vấn đề cấp bách để củng cố năng lực tài chính cho các NHTM Nhà nước, qua đó đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho tăng trưởng nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2021 và nhất là các năm sau - thời điểm kinh tế bắt đầu vào giai đoạn phục hồi mạnh.
Ngoài việc đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, các NHTM Nhà nước là công cụ hữu hiệu để thực thi chính sách tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế nên việc tăng vốn lại càng quan trọng. Điển hình như đợt Covid vừa qua, không chỉ tham gia cùng 12 NHTM lớn thực hiện giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, 4 NHTM Nhà nước còn cắt giảm thêm 4.000 tỷ đồng giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp ở phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, cho thấy các NHTM Nhà nước luôn đi đầu trong việc thực hiện chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
“Muốn nâng hạng các ngân hàng này cả trong nước và quốc tế thì cần phải thực hiện tăng vốn. Trường hợp ngân sách khó khăn thì cho phép các ngân hàng giữ lại lợi nhuận, hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn và nên được quy định rõ để các ngân hàng chủ động triển khai”, ông Hùng đề xuất.
Tại buổi làm việc mới đây với Hiệp hội Ngân hàng, chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất hướng mở cho việc tăng vốn khi kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc cách tiếp cận mở việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM… Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu rõ, việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước. “Chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các NHTM đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập”, ông Hùng lưu ý.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 4 năm nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước. Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, nhóm này sẽ hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất một đến 2 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt. |