Tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thúc tín dụng tiêu dùng, đẩy tăng trưởng kinh tế Ngân hàng "hiến kế" gỡ khó cho tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn: Ngân hàng cạnh tranh để thu hút khách hàng tốt
Ngay từ đầu năm, ngân hàng đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống và tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ, trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Đối với gói tín dụng này, Agribank đã phê duyệt 8 dự án với tổng số tiền 2.470 tỷ đồng, dư nợ thực tế là 420 tỷ đồng. Chương trình ưu đãi lãi suất với lĩnh vực lâm thuỷ sản cũng đang được Agribank tiếp tục triển khai tích cực. Thực tế, trong hệ thống ngân hàng đang có sự cạnh tranh quyết liệt về lãi suất cho vay để thu hút khách hàng tốt. Tuy nhiên cầu tín dụng vừa qua có xu hướng giảm. Điều này không chỉ với Agribank mà còn toàn hệ thống ngân hàng. Riêng đối với các khách hàng của Agribank, vì chưa đến vụ gieo trồng, nhiều khách hàng còn đem tiền gửi lại ngân hàng. Người dân cũng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh khó khăn. Vấn đề rất lớn mà ngân hàng e ngại khi cho vay nữa đó là không thu hồi được nợ, thiếu đảm bảo từ cơ quan bảo vệ pháp luật… Tất cả những điều này dẫn đến tín dụng tăng trưởng âm.
Hai tháng đầu năm tuy kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng nhưng kinh tế thế giới vẫn khó khăn, khó đoán định. Vì vậy, chúng ta phải giải quyết những vấn đề căn bản từ bên trong như thúc đẩy đầu tư công, chính sách tài khoá… Từ đó, tạo động lực cho kinh doanh, kéo cầu tín dụng tăng. Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng phải giải quyết một số vấn đề như pháp lý cho BĐS; có thêm những chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất trong bối cảnh các nước ngày càng yêu cầu khắt khe về hàng hoá.
Agribank đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, hợp đồng, đơn hàng; có phương án kinh doanh hiệu quả khả thi; minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính, quản lý dòng tiền; cam kết thực hiện trách nhiệm, củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay.
Về phía ngân hàng, Agribank cam kết sẽ đồng hành với các doanh nghiệp. Bởi khó khăn của khách hàng cũng sẽ dẫn đến khó khăn cho ngân hàng.
Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% có thể thực hiện được
Dư nợ tín dụng 2 tháng đầu năm của nền kinh tế tăng 12,14% so với cùng kỳ, nhưng có sụt giảm (0,72%) so với dư nợ cuối năm 2023, nhưng chúng ta không quá quan ngại. Vì điều này phù hợp với xu hướng diễn biến thị trường và các nguyên nhân chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục và nhìn từ quan hệ cung – cầu tín dụng cũng như các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% có thể thực hiện được.
Về phía cung tín dụng có 5 yếu tố hỗ trợ đó là: chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của NHNN đã phát huy hiệu quả, thanh khoản của hệ thống dồi dào hơn. NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ngay từ đầu năm. Tiền gửi và nguồn huy động của các TCTD hiện nay khá lớn. Mặt bằng lãi suất liên tục giảm trong nửa cuối 2023 và đầu 2024, và kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm và giữ ở mức thấp trong suốt 2024. Lãi suất thấp không chỉ giúp kích cầu tín dụng mà còn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có cơ hội phục hồi tốt hơn trong năm 2024 góp phần gia tăng nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Không chỉ về phía khách hàng, bản thân các TCTD cũng nỗ lực cấp tín dụng để đạt được kết quả kinh doanh: dư nợ, doanh thu, lợi nhuận, giảm áp lực trả lãi tiền gửi. Đơn cử như BIDV, hiện mỗi ngày phải trả lãi tiền gửi gần 300 tỷ đồng. Do vậy, các ngân hàng rất muốn cho vay thông qua các chính sách giảm thủ tục hành chính, số hóa, đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi…
Đó là về phía cung, còn về phía cầu có một số yếu tố căn bản đang hỗ trợ như tình hình kinh tế vĩ mô liên tục được cải thiện, phục hồi theo xu hướng phát triển chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 5,74% so với mức giảm 6,32% cùng kỳ 2023; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 113,96 tỷ USD tăng 18,6% so cùng kỳ 2023... Thị trường lao động, thị trường BĐS đang dần phục hồi, dự báo sẽ rõ nét hơn từ quý II/2024. Qua đó kích thích nhu cầu tín dụng tín dụng xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng, tín dụng tiêu dùng, tín dụng nhà ở… Với xu hướng này, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% sẽ đạt được; các động lực tăng trưởng sẽ phục hồi, theo đó nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhanh.
Bên cạnh yếu tố hỗ trợ cũng còn có ba vấn đề hạn chế cung làm cho các TCTD thận trọng khi cho vay. Đó là nợ xấu tăng ảnh hưởng đến từng TCTD và toàn hệ thống; Khách hàng vay tại nhiều ngân hàng nên các TCTD không kiểm soát được dòng tiền; và giá trị tài sản giảm sút và hệ lụy của việc cho vay không thu được nợ.
Để hỗ trợ hoạt động tín dụng ngân hàng, BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện thể chế hướng dẫn thực hiện các Luật Kinh doanh BĐS, đất đai, nhà ở, TCTD... vừa được Quốc hội thông qua; hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các thị trường là tiền đề và là động lực phát triển thị trường tài chính; Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới; giảm, giãn, hoãn thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính…
Ngoài ra, các TCTD mong muốn NHNN và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quá trình chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ sản phẩm thông qua phương tiện điện tử trong hoạt động ngân hàng; tăng cường chỉ đạo và tạo điều kiện các TCTD phi ngân hàng nâng cao năng lực cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đây cũng là một nguồn cung tín dụng đáng kể cho nền kinh tế, đặc biệt là khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế còn hạn chế.
Phó Chủ tịch HĐQT HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo: Tìm các giải pháp, sáng kiến bơm vốn cho nền kinh tế
Mặc dù còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng chúng tôi cho rằng thời điểm này Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng lớn với những bước tiến dài cho nền kinh tế. Tình hình địa chính trị quốc tế và nội lực mạnh mẽ của quốc gia là cơ hội cho Việt Nam. Chúng ta hãy nắm bắt cơ hội lúc này, thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư của nền kinh tế nhất là đầu tư tư nhân, đi qua những biến động, tìm các giải pháp, sáng kiến bơm vốn cho nền kinh tế. Đây cũng là cơ hội lớn mạnh của ngành ngân hàng. Theo đó HDBank cũng có một số đề xuất kiến nghị để tận dụng cơ hội này.
Đó là bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xem xét hỗ trợ từ chính sách tài chính thông qua: miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí tiền thuê đất hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp; điều chỉnh biểu thuế suất thu nhập cá nhân để khoan sức dân, tăng khả năng tiêu dùng. Tổ công tác Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cùng ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc thủ tục giấy phép cho các doanh nghiệp được thực hiện dự án đầu tư lĩnh vực BĐS, sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động thúc đẩy tín dụng. Thời gian tới, cần sớm khôi phục niềm tin thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trở lại bên cạnh nguồn vốn ngân hàng để các doanh nghiệp, dự án có nguồn vốn dài hạn bền vững...
Năm 2024, HDBank quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng mục tiêu, cam kết tiếp tục đi đầu hưởng ứng chương trình Chính phủ, NHNN đáp ứng kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh: Chính sách tài khoá cần chung tay hỗ trợ doanh nghiệp
Tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua chậm lại, thậm chí còn giảm nhưng không phải là vấn đề lớn, vì chỉ là tính chất mùa vụ. Theo đánh giá của các ngân hàng, nhu cầu và khả năng tăng trưởng tín dụng thời gian tới là rất lớn.
Thực tế cho thấy các chính sách của Chính phủ, NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Trong thời gian tới cần tiếp tục duy trì và tập trung triển khai thêm các chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể thấy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các lĩnh vực đầu tư công, xuất khẩu… đều đã được đẩy mạnh. Song hiện tại có một lĩnh vực cần được chú trọng hơn đó là cầu tiêu dùng nội địa. Bài học từ các quốc gia trên thế giới cho thấy, nếu kích thích được cầu nội địa tốt, tăng trưởng kinh tế từ đó cũng sẽ đạt được kết quả tốt.
Về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bản thân ngân hàng là doanh nghiệp, đi huy động vốn để cho vay. Chính vì vậy, bản thân các nhà băng rất muốn cho vay, nhưng điều kiện để vay thì cần tính toán, sao cho an toàn và hiệu quả. Đơn cử tại VPBank đang có khoảng hơn 40.000 doanh nghiệp với hạn mức tín dụng là 240.000 tỷ đồng, tuy nhiên hiện nay chỉ giải ngân được 60.000 tỷ đồng dù lãi suất cho vay đã giảm rất nhiều. Nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu đầu ra, không có phương án giải ngân…
Với doanh nghiệp, câu chuyện hiện tại là phải kích thích sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm. Từ thực tế trên, ngân hàng đề nghị chính sách tài khoá cần vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp chứ không chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ. Việc thiết kế các gói hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần rút kinh nghiệm từ những chương trình trước. Đơn cử như thay vì hỗ trợ lãi suất, có thể tính toán cơ chế hỗ trợ trực tiếp tiền cho các doanh nghiệp đủ điều kiện.
Về vấn đề lãi suất cho vay, nguyện vọng được giảm lãi suất của doanh nghiệp là chính đáng. Tuy nhiên việc này phụ thuộc nhiều yếu tố, như lãi suất huy động không thể giảm quá thấp, các thủ tục, chi phí liên quan… Mặt khác, các ngân hàng cũng cần cơ chế hỗ trợ vấn đề xử lý nợ để có thể giảm thiểu chi phí. Hiện các nhà băng đang lâm vào tình trạng không được hỗ trợ trong vấn đề thu giữ tài sản đảm bảo. Do vậy, về dài hạn, cần có bộ luật về xử lý nợ xấu.