Thúc tín dụng tiêu dùng, đẩy tăng trưởng kinh tế
Thu hồi nợ khó khăn ảnh hưởng đến phát triển tín dụng tiêu dùng Tạo thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng phát triển |
Người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay
Trên thị trường hiện nay, nhiều gói cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng thiết kế với ưu đãi hấp dẫn, thủ tục vay ngày càng thuận tiện, hỗ trợ tối đa cho người dân. Đơn cử tại Vietcombank, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc cho biết, sang năm 2024, Vietcombank định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của mảng bán lẻ, trong đó sẽ dẫn đầu về cho vay tiêu dùng mua nhà ở...
Ngân hàng này đã công bố chương trình triển khai cho vay trung và dài hạn với thời hạn lên tới 30 năm và cố định lãi suất trong một thời gian nhất định, áp dụng từ tháng 1/2024. Đối tượng là người vay vốn để mua nhà, đất, ô tô hay đầu tư sản xuất kinh doanh… có quyền chọn lãi suất ưu đãi cố định trong 18 tháng đầu tiên.
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế |
Còn tại SHB, nhà băng này cũng đang triển khai chương trình “Vay ưu đãi - Rồng phát tài” dành cho khách hàng cá nhân với tổng hạn mức 18.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh và vay phục vụ nhu cầu đời sống (mua nhà, ô tô, tiêu dùng...). Người vay sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6,79%/năm với tỷ lệ cho vay lên tới 90% tài sản bảo đảm và thời gian đến 25 năm.
Đại diện lãnh đạo SHB cho biết, các chương trình tín dụng ưu đãi mà ngân hàng đang triển khai dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp không những đáp ứng được nhu cầu vay vốn của khách hàng, mà còn là một giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nóng trả góp với lãi suất cao trên thị trường...
Ngoài ưu đãi lãi vay, thủ tục, quy trình phê duyệt khoản vay cũng đã được các ngân hàng tích cực tối ưu theo hướng thuận tiện nhất cho người dân. Đặc biệt, việc cho vay online, vay tín chấp đối với các khoản vay tiêu dùng đang ngày càng được đẩy mạnh.
Đại diện VPBank thông tin, thời gian qua, ngân hàng đã triển khai hình thức cho vay online với nhiều đối tượng khách hàng. Khi vay trực tuyến, khách hàng không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn. VPBank cũng đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; ứng dụng cho phép khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô ngay tại đại lý và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút...
Đặc biệt theo đánh giá của các chuyên gia, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với các quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử sẽ “mở đường” cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động cho vay trực tuyến trong thời gian tới, nhất là khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai thác tốt hơn.
Cần bảo vệ tốt hơn các TCTD trong cho vay tiêu dùng
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, với dân số khoảng 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng. Hoạt động tín dụng tiêu dùng của các NHTM, công ty tài chính được cấp phép thời gian qua đã góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường, đặc biệt là cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm cung ứng vốn cho nhóm phân khúc khách hàng dưới chuẩn (thường khó tiếp cận tín dụng ngân hàng), giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã có những khó khăn xảy ra trong việc phát triển tài chính tiêu dùng, nhất là đối với các công ty tài chính. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, tỷ lệ khách hàng vay không trả nợ ngày càng cao, trong khi đó chế tài với khách vay chưa đầy đủ, việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng rủ nhau “bùng nợ” từ một bộ phận khách hàng khiến lĩnh vực tài chính tiêu dùng càng gặp khó.
“Với việc nợ xấu tăng cao, hiện nhiều công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay. Điều này khiến người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng. Hệ quả là tín dụng đen có nguy cơ trỗi dậy”, ông Hùng thông tin.
Không chỉ các công ty tài chính, bản thân nhiều ngân hàng cũng gặp khó trong công tác thu hồi nợ. Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ, cho vay tiêu dùng của các ngân hàng có vẻ bị “co cụm” lại do nợ xấu cao và công tác thu hồi nợ bị hạn chế. Nhiều người vay chây ỳ, không trả nợ, hoặc lập các hội nhóm tìm cách trốn nợ. Điều này làm cho ngân hàng dè dặt trong việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, vì nếu không thu hồi được nợ thì thà rằng không cho vay.
Trong thời gian tới, ông Hưng cho rằng các bộ, ngành, đặc biệt là các cơ quan pháp luật cần ủng hộ các ngân hàng trong việc xử lý và thu hồi nợ một cách “quang minh, chính đại” theo đúng quy định của pháp luật. Một giải pháp nữa là đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, dữ liệu về căn cước công dân gắn chip. Khi liên kết trực tiếp dữ liệu của Bộ Công an, việc cho vay sẽ yên tâm hơn cũng như tạo điều kiện cho công tác thu hồi nợ được thuận lợi hơn.
Theo các chuyên gia, hiện nay, hành lang pháp lý cho vay tiêu dùng đã có nhưng chưa hoàn thiện và chưa được thực hiện đầy đủ dẫn đến chuyện người vay “bùng nợ” chưa được xử lý triệt để. TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nêu quan điểm cần luật hóa để tạo sự công bằng giữa bên vay và cho vay. Có như vậy tín dụng tiêu dùng mới có thể phát triển đúng với tiềm năng.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ xem xét, nghiên cứu để có những chỉnh sửa về mặt cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các công ty tài chính được Nhà nước cấp phép và các ngân hàng thương mại tham gia lĩnh vực cho vay tiêu dùng này. Qua đó sẽ góp phần hạn chế tín dụng đen.