Tây Ninh: Hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình OCOP lên đến 50 triệu đồng
Nghị quyết quy định đối tượng hỗ trợ là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có nhu cầu đăng ký mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh.
Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, các đối tượng được hỗ trợ là hội, hiệp hội, trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương có nhu cầu đăng ký mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tỉnh sẽ hỗ trợ một lần kinh phí biển hiệu, quầy kệ, một số trang thiết bị dùng để bảo quản, trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh với diện tích tối thiểu 20 m2 và có ít nhất 50% số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh. Mức hỗ trợ là 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 50 triệu đồng/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Trong việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP Tây Ninh, đối tượng được tỉnh hỗ trợ cũng như trên. Tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP sau khi có văn bản xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc đăng ký nhãn hiệu với mức hỗ trợ là 35 triệu đồng/nhãn hiệu/sản phẩm cùng loại.
Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ chi phí bao bì, in tem cho sản phẩm OCOP 3 - 4 - 5 sao với mức hỗ trợ lần lượt là 10 triệu đồng, 20 triệu đồng và 30 triệu đồng/sản phẩm.
Theo đó, kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ được thực hiện từ nguồn kinh phí thường xuyên Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Chương trình OCOP được triển khai thực hiện năm 2018 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đến năm 2023, toàn tỉnh có 92 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó 71 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 21 sản phẩm được xếp hạng 4 sao; 1 sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng 4 sao năm 2020 và đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, chương trình OCOP vẫn chưa tạo ra được sự thu hút tham gia của các chủ thể, cũng như chưa có sự hỗ trợ đúng mức dành cho các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng và các công chức thực hiện Chương trình.
“Tỉnh quy định mức hỗ trợ nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững”, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cho biết.