Tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu vừa là cơ hội lớn, vừa phải đối phó với thách thức không nhỏ đối với nước ta. Taị hội thảo "Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam" tổ chức ngày 14/6 các chuyên gia nhận định, Việt Nam cần chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội mới để cùng đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách đang được tiến hành, để tạo nên động lực mới thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn
Thách thức về thu hút các dự án FDI
Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 ban hành ngày 20/8/2019 đã khẳng định “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác".
Đồng thời, Nghị quyết số 50 cũng đã nêu rõ quan điểm “Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho rằng, việc tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), song đồng thời đặt Việt Nam trước những thách thức mới về thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao thuộc lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị khi công cụ ưu đãi thuế không còn được áp dụng.
Trong bối cảnh đó, nhiều câu hỏi đang được các nhà đầu tư quan tâm đặt ra gồm: Đâu là nội dung cơ bản và lộ trình áp dụng Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu? Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cơ hội và thách thức gì đối với Việt Nam? Tác động của việc thực thi Trụ cột 2 đối với thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam?...
Để giữ chân các nhà đầu tư FDI, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, tham gia Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần giải quyết được các câu hỏi như: Làm gì và làm như thế nào để khi thực thi Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ chân các nhà đầu tư lớn và đảm bảo được sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư để tiếp tục thu hút được các dự án trọng điểm, công nghệ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước?
Trước một vấn đề mới, phức tạp cần tổ chức nghiên cứu như thế nào để đề ra được các chính sách, giải pháp phù hợp đối với Việt Nam? Các nước đang phát triển tiếp nhận FDI đang giải quyết vấn đề này như thế nào và có thể rút ra bài học gì cho Việt Nam?...
Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, Việt Nam nên chủ động áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%, cùng với đó, sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Đầu tư để luật hoá cam kết này; cần có chương trình hỗ trợ các nhà đầu tư đang được hưởng ưu đãi thuế dưới mức 15%. Ngoài ra, cần thành lập Tổ công tác gồm các cơ quan Thuế, Đầu tư, Xây dựng, Lao động và Khoa học công nghệ để nghiên cứu, đề xuất chính sách giải pháp phù hợp cho Việt Nam.
Việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng tạo ra những thách thức với môi trường kinh doanh của Việt Nam |
Vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) lưu ý, khi tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chú ý đến một số vấn đề chủ yếu: Phải đảm bảo mức thuế thu nhập doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu đã được thống nhất trên toàn cầu.
Bãi bỏ tất cả các ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế và luật đầu tư nhằm giảm hoặc loại bỏ thuế đánh vào lợi nhuận, bởi vì các hình thức khuyến khích này không những có hiệu quả thấp trong việc thu hút đầu tư, mà với thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ không đạt được mục tiêu khuyến khích đầu tư, thậm chí còn dẫn đến tình trạng chuyển thuế từ các quốc gia tiếp nhận FDI sang các quốc gia cư trú của công ty xuyên quốc gia (TNCs).
GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng cho rằng, tham gia cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu vừa là cơ hội lớn, vừa phải đối phó với thách thức không nhỏ đối với nước ta. Do đó, ông kiến nghị, Việt Nam cần chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tranh thủ cơ hội mới để cùng với đẩy nhanh hơn công cuộc cải cách đang được tiến hành, để tạo nên động lực mới thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn vốn FDI theo định hướng tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
“Chúng ta cũng cần đối chiếu quy định quốc tế về thuế tối thiểu toàn cầu với chính sách thuế và ưu đãi đầu tư tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế và các quy định có liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định quốc tế.
Tiếp đến, chúng ta cần đàm phán lại hợp đồng với doanh nghiệp FDI chịu tác động bởi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc “cùng có lợi”, để loại trừ khả năng chuyển thuế sang nước cư trú của nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng, chúng ta cũng cần đàm phán với một số nước có doanh nghiệp FDI chịu tác động cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu một số nôi dung hạn chế của Hiệp định đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế trùng để phù hợp với luật pháp đã được điều chỉnh”, GS-TSKH. Nguyễn Mại chỉ rõ.
Bà Annett Perschmann-Taubert, đại diện Tax Partner PwC, cho biết, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đều cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư thông qua các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó áp dụng giảm thuế hoặc miễn thuế.
Hiện nay, với việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%, những ưu đãi thuế này có thể không còn mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp đa quốc gia thuộc đối tượng điều chỉnh nữa.
Điều này sẽ đặt ra cho Việt Nam một số thách thức mới. Nếu Chính phủ Việt Nam không thay đổi quy định trong nước, có thể sẽ khiến thất thu thuế bởi lợi ích thuế dành cho các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cuối cùng có thể sẽ quay trở về đất nước của họ.
Ngoài ra, Việt Nam có thể để thua trong cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư bởi các ưu đãi thuế tại Việt Nam hiện nay không còn hấp dẫn và các nhà đầu tư có thể lựa chọn các quốc gia khác thay vì Việt Nam.
Tại thời điểm này, các quốc gia và Chính phủ trong khu vực và trên toàn cầu thực tế đang phân tích các quy định mới để xác định cách họ có thể thay đổi luật thuế trong nước một mặt nhằm giảm đến mức tối thiểu sự tác động của thuế tối thiểu toàn cầu và đồng thời tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.
Chính vì vậy, để Việt Nam giữ được lợi thế cạnh tranh của mình trong việc thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời không bị thất thu thuế, Chính phủ cần xem xét thay đổi các quy định về thuế trong nước và thiết kế các chính sách khuyến khích đầu tư mới có cân nhắc đến mức thuế tối thiểu toàn cầu.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng tạo ra những thách thức với môi trường kinh doanh của Việt Nam và cả những doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế của Việt Nam.
Do đó, để giảm thiểu những tác động tiêu cực, Việt Nam cần có sự nghiên cứu, đánh giá chính xác về vấn đề trên. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất, Chính phủ cần thành lập Tổ công tác về vấn đề này, trong đó thành viên của Tổ công tác sẽ là đại diện của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt liên ngành gồm đại diện các Bộ, ngành để xử lý các vấn đề liên quan tới thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu.