Thâm hụt ngân sách giảm khả năng chống đỡ các cú sốc kinh tế
Trên đây là những điểm nhấn trong nghiên cứu đánh giá kinh tế Việt Nam với chủ đề: “Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, vừa được công bố.
Hình minh họa |
Nghiên cứu cho biết quy mô thu ngân sách có xu hướng giảm dần, từ mức gần 30% GDP trong nhiều năm đến giai đoạn 2006-2009 giảm còn 26-28% GDP, và từ năm 2015-2018 chỉ còn hơn 23% GDP. Tuy nhiên, tỷ lệ trên vẫn ở mức cao so với quy mô ngân sách hợp lý và cao so với mức trung bình của ASEAN là 17,3% GDP. Quy mô ngân sách cao theo ảnh hưởng đến tiết kiệm của khu vực tư nhân, làm giảm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
“Quy mô thu ngân sách cao của Việt Nam còn có bất lợi là Chính phủ còn ít không gian để có thể giảm thâm hụt ngân sách qua tăng thuế, chịu nhiều áp lực phải làm ngược lại”, PGS.TS. Tô Trung Thành phát biểu.
Đồng thời, nghiên cứu cho thấy thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào quỹ đạo tăng trưởng mới.
“Thực trạng này ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế. Chính phủ cũng không còn nhiều không gian tài khóa cho việc thực hiện các biện pháp kích cầu cần thiết khi nền kinh tế gặp khó khăn”, GS-TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bình luận.
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ thêm: “Quy tắc vàng của ngân sách nhà nước là thu phải lớn hơn chi, là kỷ luật ngân sách phải thật nghiêm, nhưng ngân sách Việt Nam đang có vấn đề lớn”.
Nhưng, phân tích sâu về chi ngân sách còn cho thấy một số bất cập khác. Trong đó, đáng lo là trong chi ngân sách, chi cho đầu tư phát triển giảm nhưng chi thường xuyên vẫn ở mức cao, trong đó nhiều nhất là chi lương. Cụ thể, chi thường xuyên cả thập kỷ nay luôn chiếm hơn 60% chi ngân sách. Điều này ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư.
“Trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn rất lớn thì việc giảm mạnh chi đầu tư công mà không có nguồn thay thế sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực về dài hạn”, PGS-TS. Tô Trung Thành, đại diện Nhóm nghiên cứu đưa ra lưu ý.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Phạm Chi Lan cũng đầy trăn trở khi chi ngân sách nhiều như thế bởi có một bộ máy hành chính và đội ngũ người hưởng lương ngân sách quá lớn; nhấn mạnh cần phải cải cách mạnh bộ máy cồng kềnh, giảm số người hưởng lương, thay đổi chế độ chi lương đầu cán bộ mà trả theo kết quả công việc…
Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng ngân sách và kỷ luật trong chi tiêu ở địa phương cũng là một vấn đề cần quan tâm xiết chặt trước khi có những rủi ro xảy ra.
Đề cập đến giải pháp, nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất trọng tâm là phải giảm chi ngân sách chứ không phải tăng thu. Bởi chính sách tài khóa cần hướng đến trọng cung, cần sửa đổi lại các quy định về phân cấp ngân sách hướng tới quản lý ngân sách theo kết quả, tăng tính minh bạch và giải trình ở địa phương, đặc biệt cẩn trọng với vấn đề vay nợ của chính quyền địa phương…
Đồng thời, phải cải cách mạnh bộ máy hành chính, giảm chi lương từ ngân sách, xiết chặt kỷ luật ngân sách, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư công…