Thanh Hoá: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW (Bài 1)
Bài 1: Chỉ thị 40-CT/TW: Cú hích mạnh mẽ cho phát triển kinh tế nông thôn
Thanh Hóa thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW |
Động lực thay đổi
Những năm qua, Thanh Hóa đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế của mình như một trong những điểm sáng quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Trong đó vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bên vững, xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến thăm cơ sở sản xuất hương ngọc Lâm của gia đình anh Lê Ngọc Lâm ở phố Phú Thịnh, thị trấn Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa không ai có thể ngờ mới hơn 5 năm trước, gia đình anh rất nghèo phải bôn ba đi làm thuê ở nhiều tỉnh thành để trang trải cuộc sống. Anh Lâm kể, gia đình anh sinh được 4 người con, cuộc sống lam lũ, nghề không có, thu nhập bấp bênh nên anh phải lên thành phố làm thuê rồi vào miền nam. May mắn là xin được vào làm tại một sơ sở sản xuất hương tại miền Nam, anh đã cố gắng học nghề. Sau một thời gian nắm vững kỹ thuật, anh quyết định trở về quê mở cơ sở sản xuất hương. Sau khi tham khảo và được sự hỗ trợ kịp thời của tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương, gia đình anh đã vay được vốn từ NHCSXH để đầu tư nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu…. Từ đó việc sản xuất hương ngày càng phát triển, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện nay anh vẫn đang vay của NHCSXH 100 triệu đồng và doanh thu hàng năm nhờ vào cơ sở sản xuất hương lên tới hơn 600 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở cũng tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và thêm nhiều lao động thời vụ vào những dịp sản xuất lớn như phục vụ những ngày lễ, tết…
Ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Thanh Hoá chia sẻ, việc kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách được nâng lên. Tỉnh quan tâm kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp. Cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ hoạt động của các phòng giao dịch cấp huyện, điểm giao dịch cấp xã được đầu tư ngày càng hoàn thiện.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh |
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn. Công tác thực hiện chính sách tín dụng được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, sát với thực tế, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thông chính trị trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo, thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền, cộng đồng dân cư và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”, gây mất ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh…
Giai đoạn từ năm 2014-2024 đã có 847,9 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được vay vốn từ NHCSXH với tổng doanh số cho vay đạt 32.588 tỷ đồng. Đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH cung cấp để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu nói tín dụng chính sách như cánh buồm đưa con thuyền an sinh vươn khơi thì chỉ thị số 40 được xem như ngọn gió để con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn.
Tạo sức mạnh tổng hợp
Theo NHCSXH chi nhánh Thanh Hóa, tính đến 30/9/2024 tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 14.591 tỷ đồng, tăng 7.587 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 650 tỷ đồng, tăng 525 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 14.563 tỷ đồng, tăng 7.571 tỷ đồng so với năm 2924; tổng doanh số cho vay đạt 33.593 tỷ đồng, tổng doanh số thu nợ đạt 25. 997 tỷ đồng với gần 865 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Ông Lê Hữu Quyền – Giám đốc NHCSXH chi nhánh Thanh Hóa |
Ông Lê Hữu Quyền – Giám đốc NHCSXH chi nhánh Thanh Hóa cho biết, với quyết tâm thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 40, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến tận tay người dân. Nguồn vốn này không chỉ hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo mà còn mở rộng đến các đối tượng chính sách khác như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, giúp họ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính, nâng cao đời sống.
Cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh nhận thức sâu sắc và xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai giai đoạn 5 năm. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã bao phủ đến 100% các thôn, bản, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, kịp thời.
NHCSXH đã phối hợp với chính quyền các địa phương thiết lập 558 điểm giao dịch xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, thành lập và quản lý 6.431 tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, bản, tổ dân phố, phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” của NHCSXH với người vay vốn tại cơ sở. Qua đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được chuyển kịp thời đến với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn.
Hướng tới tương lai
Là địa bàn rộng, có nhiều huyện miền núi gặp khó khăn, tín dụng chính sách vẫn gặp không ít thách thức. Trong đó, tại một số huyện (nhất là các huyện miền núi, miền biển), nhiều xã trước đây thuộc vùng khó khăn (xã Khu vực l, II, hiện nay do xây dựng Nông thôn mới nên không còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách đối với các xã vùng khó khăn). Trong khi đó, nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của bà con nhân dân trên địa bàn các xã này còn rất lớn để tiếp tục phát triển kinh tế nhằm xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. Ngoài ra, nguồn vốn một số chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với thực tế của nhu cầu người dân trên địa bàn như chương trình cho vay Giải quyết việc làm, cho vay Nhà ở xã hội…
Ông Lê Hữu Quyền - Giám đốc NHCSXH chi nhánh Thanh Hóa cho rằng, để hoạt động chính sách phù hợp và ngày càng hiệu quả, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ có mức sống trung bình để sản xuất kinh doanh. Đối với các xã khu vực II, khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới thì tiếp tục được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi thêm thời gian 3-5 năm để bà con nhân dân ổn định sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn một số chương trình mà hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu lớn như: nguồn vốn cho vay Giải quyết việc làm, cho vay Nhà ở xã hội... Với quyết tâm đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40, phát huy hiệu quả nguồn vốn tiến dụng chính sách nhằm bảo đảm, không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
Tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành “điểm sáng” và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Tiếp nối những kết quả đã đạt được, nhìn nhận, đúc rút những bài học kinh nghiệm, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách nhằm bảo đảm, không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.