Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng ở Hà Tĩnh
Tính đến ngày 31/8/2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 56 đầu mối TCTD gồm: 22 chi nhánh NHTM cấp 1, 1 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; với gần 100 phòng giao dịch phân bố khắp toàn tỉnh, 32 quỹ tín dụng nhân dân phân bố đến địa bàn xã.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 198 máy ATM được lắp đặt, trong đó 66 máy tại địa bàn thành phố, 132 máy huyện thị, 100% huyện thị đã có lắp đặt máy ATM. Đây là nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng trong việc mở rộng mạng lưới ATM để phục vụ cho người dân trong quá trình giao dịch. Toàn tỉnh cũng đang có 1.290 máy POS, có 43.465 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó điểm chấp nhận thẻ là 1.276 điểm, điểm chấp nhận thanh toán QR code là 42.189 điểm.
Các điểm chấp nhận thẻ, QR được đặt tại nhà hàng, siêu thị và các điểm bán lẻ, cửa hàng kinh doanh… đã tạo thuận lợi cho người dân trong mua sắm, tiêu dùng. Trên thực tế, với việc mở rộng của dịch vụ ngân hàng số đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển loại hình thanh toán trực tuyến tại Hà Tĩnh. Theo đó, các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC, thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code, việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ POS… được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán QR code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động ngày càng được phủ sóng và phù hợp với hành vi người tiêu dùng.
Ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh đã tăng cường tuyên truyền để người dân tiếp cận và sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền. |
Đến nay, tại Hà Tĩnh QR code đã được triển khai tận tay tiểu thương, người dân kinh doanh buôn bán tại các chợ trên địa bàn thành phố, thị xã. Bà Đinh Thị Tú, một tiểu thương ở huyện Kỳ Anh chia sẻ, với việc kết nối mã QR góp phần thuận tiện trong giao dịch. Hình thức thanh toán này không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng mà còn giúp tôi thuận lợi hơn trong kinh doanh, dễ dàng quản lý nguồn thu hằng ngày…
Cùng với hoạt động thanh toán thông thường, hiện nay hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tiếp tục được triển khai rộng rãi trên địa bàn Hà Tĩnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Đến nay, các dịch vụ thanh toán điện tử phát triển mạnh, mở rộng về cả số lượng và chất lượng với nhiều tiện ích như thanh toán hóa đơn mua hàng trực tuyến, thanh toán tiền điện, tiền nước, thanh toán tiền điện thoại, tiền học phí, viện phí… phục vụ tốt nhu cầu người dân trong mua sắm, tiêu dùng trực tuyến ở địa phương.
Trong đó, đẩy mạnh triển khai thu tiền điện không dùng tiền mặt, điện lực Hà Tĩnh đã ký kết hợp đồng dịch vụ 17 đối tác thu hộ tiền điện. Ngành điện lực liên kết với các ngân hàng, đối tác như Viettel, VNPT… để phát triển khách hàng trích nợ tự động qua tài khoản, thanh toán bằng hình thức Mobile money. Kết quả thực hiện đến ngày 31/8/2024 có 390.421/454.832 khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 85,84%.
Tương tự, Công ty cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh cũng đã ký kết hợp tác với 6 ngân hàng và 4 đơn vị trung gian thu hộ (Viettel Pay, VNPT Pay, Payoo, Ví điện tử MoMo). Tính đến 31/8/2024, tất cả các chi nhánh công ty cấp nước tại các huyện, thành phố, thị xã trong địa bàn tỉnh đã chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng. Khách hàng thanh toán tiền nước qua ngân hàng và các đơn vị thu hộ là 92.218/106.207, đạt tỷ lệ 86,74%.
Các TCTD ở địa phương tập trung phát triển mạng lưới phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai, mở rộng thanh toán thẻ ATM, POS, QRCode.... |
Trong khi đó, đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí không dùng tiền mặt, đối với các trường học thuộc Sở giáo dục và Đào tạo, số tiền thu qua thanh toán không dùng tiền mặt 8 tháng đầu năm 2024 đạt 14,12 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 93,43% tổng số tiền thu.
Theo đại diện Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Can Lộc), năm học 2024 - 2025, nhà trường có hơn 70 cán bộ, giáo viên, 30 nhóm lớp với 776 trẻ. Đến nay, các bậc phụ huynh thực hiện đóng nộp học phí, tiền ăn và các khoản thu khác đều qua tài khoản ngân hàng, rất thuận tiện. Cùng đó, nhà trường cũng tiến hành việc chi trả lương, đóng nộp bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên và thanh quyết toán các khoản qua hệ thống phần mềm kết nối từ các ngân hàng. Qua đó, đảm bảo công tác quản lý tài chính của nhà trường diễn ra minh bạch, hiệu quả…
Tương tự, đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí không dùng tiền mặt, các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã tăng cường hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Số lượng thiết bị chấp nhận thẻ để thanh toán các khoản viện phí là 15 máy POS và ở các quầy thu viện phí của các đơn vị đều có đặt mã QRCode. Số khách hàng thanh toán viện phí qua thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đạt 103.501 khách hàng chiếm tỷ lệ 17,17%, với số tiền thu được là hơn 95,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 33,18% tổng số tiền…
Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua ngành Ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm giúp cho người dân, tổ chức trên địa bàn hiểu, tiếp cận và sử dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền. Từ đó, tạo được sự chuyển biến căn bản về thói quen sử dụng tiền mặt.
Đây là yếu tố quan trọng nhất góp phần vào sự thành công mục tiêu hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn toàn tỉnh. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt lồng ghép việc triển khai vào các dự án, kế hoạch, chương trình của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Với việc mở rộng của dịch vụ ngân hàng số, đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển loại hình thanh toán trực tuyến tại Hà Tĩnh. |
Bên cạnh đó, các chi nhánh NHTM cũng nâng cao chất lượng và phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, tiếp tục triển khai, mở rộng thanh toán thẻ ATM, POS, QRCode tăng cường việc chấp nhận thẻ lẫn nhau giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ. Bố trí mạng lưới và mở rộng các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt tại những nơi điều kiện cho phép, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, xem xét chuyển dịch hệ thống cây rút tiền từ động ATM từ khu vực thành phố về các huyện, thị, vùng sâu vùng xa.
Để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh như Sở Y tế, Sở Giáo dục đào tạo và UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh các khoản thu qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo quyết liệt các bộ phận chuyên môn thực hiện tốt thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thành các chỉ tiêu được giao.
Đồng thời, tăng cường cơ chế hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin giữa NHNN tỉnh, các TCTD trên địa bàn với công an tỉnh và các đơn vị có liên quan để kịp thời phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán; chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong hoạt động thanh toán để kịp thời cảnh báo, khuyến nghị với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, người sử dụng dịch vụ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, nguy cơ lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp…