Thanh toán lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến
50% phí xét tuyển đại học trực tuyến chuyển qua MoMo |
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp, có khoảng 800.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học đến từ mọi miền đất nước.
Theo lịch xét tuyển đại học năm 2023, thí sinh có 20 ngày để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn và 7 ngày để nộp lệ phí xét tuyển. Trên nền tảng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển đại học thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia với 17 kênh thanh toán trực tuyến chính, quy trình tiếp nhận hồ sơ và xử lý dữ liệu xét tuyển cũng trở nên nhanh chóng và tinh gọn hơn cho các cán bộ chuyên môn.
Theo đó, chức năng thanh toán lệ phí xét tuyển chỉ mở vào khung thời gian cố định và việc đăng ký xét tuyển chỉ được xem là hoàn thành sau khi thí sinh hoàn tất nộp lệ phí.
Cụ thể, sau khi hoàn thành đăng ký nguyện vọng, thí sinh, phụ huynh truy cập hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn để nộp lệ phí xét tuyển cho các nguyện vọng đã đăng ký. Từ đó, các trung gian thanh toán kết nối với hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo để cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong nộp lệ phí xét tuyển đại học mà không phải đi lại và xếp hàng tại các cổng trường đại học và các cơ sở đào tạo.
MoMo là một trong những ví điện tử đi đầu trong việc kết nối với hệ thống giáo dục đào tạo thanh toán điện tử nộp phí xét tuyển đại học, kết thúc thời gian nộp lệ phí xét tuyển đại học năm 2023, MoMo đạt 297.450 giao dịch, chiếm 48% tổng lượng giao dịch.
Mùa xét tuyển đại học năm ngoái, ví điện tử này đã ghi nhận 172.000 giao dịch quét mã QR, chiếm hơn 50% tổng số giao dịch nộp lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến.
Nộp phí xét tuyển đại học qua ví điện tử không còn lo xếp hàng trước cổng trường |
Cuộc cạnh tranh thu hút người dùng hình thức thanh toán điện tử nộp lệ phí xét tuyển đại học còn có sự tham gia mạnh mẽ của các tài khoản viễn thông như mobile money VNPT quét mã VietQR, ViettelPay và các ứng dụng thanh toán của các ngân hàng số và đặc biệt là công ty công nghệ tài chính (fintech) như KeyPay, Payoo, Napas, OmiPay…
Để khuyến khích người nộp lệ phí xét tuyển đại học, các trung gian thanh toán khuyến mãi cho khách hàng sử dụng dịch vụ các mã thanh toán có giá trị áp dụng trong những mua sắm hàng hóa dịch vụ lần sau.
Theo một chuyên gia thanh toán của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, việc nộp lệ phí xét tuyển đại học chỉ trong một thời gian nhất định (năm nay là từ 31/7đến ngày 6/8), không phải công việc thường xuyên hàng tháng, hàng ngày như thanh toán các dịch vụ thiết yếu như đóng tiền điện, nước, cước viễn thông, nên các trung gian thanh toán chạy đua với thời gian để thu hút người dùng.
Với công nghệ của ngân hàng số và các trung gian thanh toán hiện nay, nếu đạt được thỏa thuận kết nối với cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo hệ thống sẽ gạch nợ và ra hóa đơn trực tiếp cho người nộp lệ phí xét tuyển đại học như thanh toán các dịch vụ công khác. Phần đấu nối, các trung gian thanh toán như một cầu nối giữa người dùng sản phẩm ví điện tử - hệ thống xét tuyển đại học - ngân hàng. Theo nguyên tắc 1.1 của ví điện tử hiện nay thì toàn bộ dòng tiền nộp phí qua kênh trung gian thanh toán hiện nay đều chảy qua ngân hàng. Từ đó, tạo động lực cho trung gian thanh toán mở rộng khách hàng và ngân hàng có nguồn tiền gửi không kỳ hạn và nhà nước không mất chi phí đầu tư hạ tầng.
Nộp lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến là ý tưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm hưởng ứng chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy nền kinh tế số của Chính phủ. Thanh toán trực tuyến giúp giảm thiểu chi phí xã hội; Đồng thời, phương thức còn tạo thói quen thanh toán hiện đại cho các thí sinh, phụ huynh. Từ đó giúp quá trình đăng ký xét tuyển của các thí sinh trở nên dễ dàng và đơn giản hơn, đặc biệt với các thí sinh đến từ các tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa. Dù ở bất cứ đâu, chỉ cần có thiết bị kết nối internet thí sinh sẽ hoàn thành nộp phí.