Thanh toán quốc tế: Động lực thúc đẩy giao thương
Đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) vào những ngày cận Tết Giáp Thìn, theo ghi nhận của phóng viên, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra vô cùng nhộn nhịp, khẩn trương, từng đoàn xe qua lại tấp nập. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sầu riêng tươi, ớt, thanh long tươi, mít, bánh đậu xanh, sợi tơ tằm... Còn hàng nhập khẩu chủ yếu bao gồm ô tô, linh kiện ô tô xe máy, sản phẩm từ cao su, sản phẩm điện tử… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 6 cửa khẩu đang thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa. Trong những năm qua, hoạt động thanh toán qua ngân hàng đã góp phần thúc đẩy thương mại song phương và xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 15 chi nhánh NHTM, trong đó 13/15 NHTM đã ký kết thoả thuận thanh toán biên giới với các chi nhánh ngân hàng của Trung Quốc để thực hiện hoạt động thanh toán quốc tế song phương.
Những chuyến xe hàng tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai |
Đại diện NHNN chi nhánh Lạng Sơn chia sẻ, hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu biên giới qua NHTM đã được nhiều cá nhân và doanh nghiệp chọn làm hình thức thanh toán chính bởi sự an toàn và tiện lợi. Đặc biệt là từ khi các ngân hàng hai nước ký thoả thuận thực hiện thanh toán qua Internet Banking, đã giúp tiết kiệm chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng phục vụ, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Với ưu thế là một ngân hàng có uy tín, dày dặn kinh nghiệm trong hoạt động thanh toán biên mậu tại địa phương, bà Đinh Thị Hồng Giang, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Lạng Sơn thông tin, chi nhánh luôn nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của chính quyền địa phương, qua đó duy trì ổn định lượng khách hàng truyền thống. Ngoài ra, Agribank là NHTM đầu tiên ký kết và thực hiện thanh toán thương mại biên giới Việt - Trung, thường xuyên giữ mối quan hệ tốt với các ngân hàng đối tác nước ngoài, được đối tác tin tưởng, giới thiệu thêm khách hàng mới.
Với những thuận lợi trên, thu dịch vụ về thanh toán quốc tế, thanh toán biên mậu tại Agribank tỉnh Lạng Sơn trong 11 tháng năm 2023 đã tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng là địa phương có hoạt động giao thương biên giới sôi động, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đang tích cực thể hiện vai trò kết nối, thúc đẩy hoạt động thương mại vùng biên.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng phòng Thanh toán Quốc tế, Agribank Chi nhánh Lào Cai II chia sẻ, Chi nhánh luôn là địa chỉ quen thuộc tin cậy của khách hàng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cư dân biên giới, khách tham quan du lịch. Từ năm 1997 đến nay đã có 6 NHTM tỉnh Vân Nam ký kết thoả thuận hợp tác thanh toán biên mậu với Agribank Chi nhánh Lào Cai II, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng xuất, nhập khẩu của hai nước trong việc thanh toán, mua bán, trao đổi hàng hoá, góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của hai tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam. Agribank Chi nhánh Lào Cai cũng là ngân hàng duy nhất trên địa bàn đã thiết lập quan hệ thanh toán và mở tài khoản thanh toán với tất cả 6/6 ngân hàng tại Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc. Đây là thế mạnh của chi nhánh trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán biên mậu.
Nhờ đó, tính đến hết tháng 11/2023, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu của chi nhánh đạt 20.400 tỷ đồng. Có được kết quả này, theo ông Kiên, ngay từ những ngày đầu năm, chi nhánh đã tích cực khai thác và thu hút nhiều khách hàng bằng các biện pháp như giảm phí, áp dụng tỷ giá linh hoạt. Do đó cả 3 chỉ tiêu kinh doanh ngoại tệ, thanh toán quốc tế và thu nhập đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Là doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng sắn và tinh dầu quế sang thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị An, Giám đốc Công ty TNHH An Nghiệp chia sẻ, năm 2023, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp khoảng 500 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với năm 2022. Theo bà An, có được kết quả đó, An Nghiệp đã được ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ hết sức nhiệt tình từ nguồn vốn để quay vòng sản xuất kinh doanh đến việc thanh toán hàng hoá xuất nhập khẩu qua ngân hàng.
Đối với thanh toán quốc tế, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh hoạt động này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại vùng biên, một mặt tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong giao thương quốc tế, mặt khác cũng hỗ trợ cho công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, hạn chế các trường hợp lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại hai nước...
Tuy vậy, cũng không ít thách thức mà các ngân hàng phải đối mặt trong quá trình thúc đẩy thanh toán thương mại biên giới. Đơn cử, giao dịch thương mại biên giới đối mặt với rủi ro cao do lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc và khó dự báo sự thay đổi chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc, điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động thanh toán trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, các ngân hàng phía Trung Quốc có các quy định nội bộ khác nhau trong việc tiếp nhận các khoản tiền thanh toán. Nhiều ngân hàng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án vận chuyển tiền qua biên giới nên chưa đưa vào thỏa thuận hợp tác khung.
Trước những khó khăn trên, bà Đinh Thị Hồng Giang cho biết, chi nhánh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, theo dõi sát sao hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp cụ thể. Đồng thời, phân công giao dịch viên phụ trách các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để kịp thời hỗ trợ khách hàng khi cần thiết. Ngoài ra, ngân hàng cũng chủ động tiếp cận với các đối tượng khách hàng là đơn vị ủy thác thanh toán biên giới, duy trì quan hệ mật thiết với ngân hàng đối tác, trao đổi nắm bắt hoạt động thanh toán với ngân hàng bạn, hai bên hỗ trợ giới thiệu khách hàng cho nhau…