Giảm thiểu rủi ro giao thương quốc tế
Sôi động thanh toán số tại “cửa ngõ” giao thương Thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu và kết nối giao thương |
Trong đó, 4 lô hàng hồ tiêu, quế, điều đã bị lấy ra khỏi cảng mà chưa thanh toán, với tổng trị giá khoảng 400.000 USD. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông về việc lừa đảo khi giao thương quốc tế. Một khảo sát từ PwC Việt Nam cho thấy, năm 2022, khoảng 50% số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được hỏi từng có nguy cơ bị rủi ro thương mại quốc tế, nghĩa là cứ hai doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp từng đối mặt với nguy cơ giao hàng mà không nhận được tiền trong giao dịch quốc tế, chủ yếu nằm ở khâu thanh toán.
Theo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nước ta là một trong những quốc gia chủ động hội nhập kinh tế, khi cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, khi sân chơi ngày một lớn cũng là khi doanh nghiệp Việt đối mặt với những rủi ro muôn hình vạn trạng hơn. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết và lựa chọn các hình thức giao dịch phù hợp; và thực tế cho thấy sự tham gia của những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp phần nào sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu nhận định, hiện các nhà băng Việt đã có nhiều sản phẩm thanh toán quốc tế được “may đo” dành riêng cho doanh nghiệp, không chỉ hỗ trợ về thanh toán, ngân hàng còn có đội ngũ chuyên gia, pháp lý có thể tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình giao dịch, xây dựng hợp đồng mua bán… Vì vậy, việc tư vấn, thanh toán qua ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình giao thương quốc tế. Đặc biệt, các ngân hàng Việt đang tích cực ứng dụng công nghệ và kết nối với các bên liên quan để tạo ra những sản phẩm thanh toán quốc tế an toàn nhất. Đơn cử như việc ứng dụng giao dịch tài trợ thương mại sử dụng công nghệ Blockchain.
MB là một trong những ngân hàng tiên phong sử dụng công nghệ này. Đại diện MB cho biết, thay vì thực hiện trên nhiều hệ thống khác nhau, MB cùng ngân hàng Bangkok, Thái Lan đã ứng dụng thành công công nghệ Blockchain cho phép thực hiện trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ (L/C), từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên cùng một mạng lưới Contour. Các bên liên quan bao gồm: nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, ngân hàng phát hành và ngân hàng thông báo/xuất trình chứng từ đều tham gia xử lý trên cùng một mạng lưới.
Sự khác biệt lớn nhất so với cách xử lý truyền thống của L/C chính là việc các bên được phép tham gia cập nhật tức thời trạng thái giao dịch. Điều này không chỉ đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch thông tin giữa các bên liên quan, mà còn cải thiện rõ rệt thời gian xử lý và tiết kiệm chi phí cho toàn bộ chu trình.
BIDV cũng là nhà băng thông báo đã phát hành thành công thư tín dụng xác nhận liên ngân hàng trên mạng lưới Contour cho một đơn hàng xuất nhập khẩu. Đây là giao dịch tài trợ thương mại sử dụng công nghệ Blockchain đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện qua các ngân hàng ngoài hệ thống. Ngoài ra, một loạt nhà băng khác như VietinBank, HDBank, Vietcombank… cũng đã thông báo thành công áp dụng công nghệ Blockchain trong hoạt động tài trợ thương mại.
Trong báo cáo công bố mới đây WB đã nhận định, để tạo xung lực cho tăng trưởng của các quốc gia cận biên hay đang phát triển như Việt Nam, từ nay đến năm 2030 cần tập trung cho thương mại quốc tế và công nghệ Blockchain - “chìa khóa” để thúc đẩy hoạt động thương mại này... Việc ứng dụng Blockchain trong giao dịch L/C phù hợp với các doanh nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, thực tế số lượng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới này chưa nhiều. Do đó các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Blockchain và các ứng dụng của công nghệ này trong giao dịch L/C, mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi từ giao dịch truyền thống sang giao dịch sử dụng công nghệ mới. Muốn vậy, doanh nghiệp cần có một bộ phận chuyên trách thực hiện giao dịch L/C, có thể chủ động thực hiện khâu khai báo thông tin và nhập các dữ liệu liên quan đến giao dịch...
Về phía các NHTM cũng cần mạnh dạn thử nghiệm và triển khai ứng dụng rộng rãi Blockchain trong hoạt động giao dịch L/C, thông qua các giải pháp như đầu tư tốt hơn cho cơ sở hạ tầng công nghệ, lựa chọn và làm việc với các công ty cung ứng công nghệ Blockchain; phổ cập kiến thức về ứng dụng của công nghệ Blockchain trong giao dịch L/C cho nhân viên; xây dựng quy trình nghiệp vụ và ban hành các văn bản hướng dẫn giao dịch L/C trên nền tảng Blockchain.
Trong thời gian qua, ngân hàng rất tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro trong hoạt động giao thương quốc tế, tuy nhiên bản thân các doanh nghiệp cũng cần tự bảo vệ mình. Các trọng tài quốc tế khuyến cáo bốn yếu tố để cân nhắc lựa chọn phương thức thanh toán gồm: đặc điểm của ngành hàng/loại hàng xuất khẩu; giá trị thương vụ; khoảng cách về không gian địa lý và quan trọng nhất là sự am hiểu về đối tác, thị trường.