Tháo gỡ khó khăn cho tài chính tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
Các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen" Tài chính tiêu dùng: Tránh “vàng thau lẫn lộn” Góp phần ‘giải vây’ người dân khỏi tín dụng đen |
Khó khăn bủa vây công ty tài chính tiêu dùng
Số liệu thống kê đến ngày 31/12/2022, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2.425.440 tỷ đồng, chiếm 20,34% tổng dư nợ tín dụng, tăng 22,26% so với ngày 31/12/2021. Riêng đối với 16 công ty tài chính tiêu dùng (CTTCTD) do NHNN cấp phép, đến ngày 31/12/2022, dư nợ đạt trên 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.
Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế và dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống song đã hỗ trợ được khoảng 30.000 người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35 - 50 triệu đồng/người. Qua đó, có thể thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống nói riêng đã có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Tuy đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho nền kinh tế, cho xã hội nhưng, theo đánh giá của VNBA hoạt động của các TCTD, trong đó có các CTTCTD đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, mặt bằng lãi suất ngân hàng đã hạ nhiệt đáng kể nhưng các khoản huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm, các khoản huy động cũ lãi suất cao chưa đáo hạn,... nên các ngân hàng vẫn chưa có cơ sở để giảm mạnh lãi suất cho vay; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại; chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của NHTM gặp nhiều khó khăn…
Riêng đối với các CTTCTD ngoài những khó khăn trên, các công ty này còn gặp rất nhiều khó khăn khác, nhất là hoạt động thu nợ. VNBA cho rằng, việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng nào vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường.
Thực tế thời gian qua, lực lượng công an đã vào cuộc rất tích cực, góp phần trấn áp tội phạm tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng đòi nợ thuê. Tuy nhiên, cùng với việc gần đây xảy ra tình trạng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, một trụ sở, chi nhánh, văn phòng mở rộng của các công ty tài chính do NHNN cấp phép, được báo chí đưa tin dày đặc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ đang bị đình trệ, nợ xấu tăng cao, một số khách hàng cố tình vin vào những tin tức này để tẩy chay, cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các CTTCTD này là phạm pháp, chây ỳ việc trả nợ và có hành vi thách thức lại cán bộ thu hồi nợ khi bị nhắc nợ nhiều lần.
Thực trạng trên đang dẫn đến, tỷ lệ khách vay "không trả nợ" ngày càng cao; trong khi đó, chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện lại khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.
Thêm vào đó, gần đây xảy ra hiện tượng "rủ nhau" bùng nợ từ một bộ phận khách hàng sau những thông tin cơ quan điều tra khởi tố một số đối tượng đòi nợ "khủng bố", đòi nợ phản cảm nở rộ, gây những tác động xấu tới thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu nợ của các CTTCTD (đến ngày 31/12/2022, nợ xấu của các CTTCTD tăng 23,09% so với thời điểm ngày 31/12/2021 và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới). Nhân viên thu hồi nợ của CTTC bị ảnh hưởng tâm lý về việc bị đe dọa ngược từ khách hàng, hoang mang, lo lắng vì nhiều thông tin trái chiều (bắt bớ, điều tra, từ kiểm tra của cơ quan chức năng). Tỷ lệ nhân sự nghỉ việc cao, tuyển dụng nhân sự khó khăn hơn trước, do nhiều nguyên nhân như định kiến xã hội về công việc, rủi ro tính mạng khi tác nghiệp, tác động của gia đình...
Cũng theo VNBA, việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các CTTCTD phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý. Ngoài ra, theo quy định của cơ quan quản lý, các tổ chức cho vay bắt buộc phải trích lập dự phòng theo tình hình nợ xấu thực tế, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh doanh. Hậu quả là lãi suất cho vay bắt buộc phải được điều chỉnh tăng, qua đó tác động trực tiếp đến người đi vay.
Các công ty tài chính đang cung cấp giải pháp tài chính đa dạng, thiết thực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng |
Cần sự vào cuộc đồng bộ để đẩy lùi tín dụng đen
Để góp phần ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen đạt kết quả cao nhất, VNBA cho rằng, cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, cơ quan này đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, đối với Chính phủ: Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó, đưa công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng.
Chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp để thực hiện tốt các chính sách về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tín dụng tiêu dùng, phối hợp để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân, công nhân và người dân lao động có thu nhập thấp; tiếp tục siết chặt, kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp có hoạt động cho vay, thu hồi nợ không đúng quy định pháp luật.
Thứ hai, đối với NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng chính sách, cơ chế quản lý riêng theo đặc thù ngành đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho công ty tài chính có môi trường hoạt động thông thoáng, an toàn và tuân thủ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai như quy định tỷ lệ nợ xấu chuẩn cho công ty tài chính ở mức cao hơn để phù hợp với đặc thù phân khúc khách hàng đa số dưới chuẩn, cho vay không có tài sản bảo đảm ...
Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi vay đối với TCTD; các chế tài xử phạt với người đi vay cố tình chây ỳ trả nợ.
Đẩy mạnh truyền thông danh sách các CTTCTD được NHNN cấp phép hoạt động và quản lý, để khách hàng hiểu được và không “đánh đồng” với các công ty cho vay tiền qua App, mạng, tín dụng đen; truyền thông rộng rãi, chính thống tới người dân về nghĩa vụ trả nợ, những rủi ro khi vay không trả đúng hạn.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty tài chính, nhất là việc thu hồi nợ, bán nợ, thuê tư vấn dịch vụ pháp lý... nhằm chấn chỉnh kịp thời; chủ động phối hợp với các cơ quan công an lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với những công ty biểu hiện vi phạm.
NHNN nên xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng CTTCTD trên cơ sở đề nghị của các công ty, tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, đặc biệt đối với CTTCTD đã tham gia các gói tín dụng ưu đãi, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Ngoài ra, cần xem xét cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho một số CTTCTD. Chẳng hạn như với các CTTCTD hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả, NHNN có thể xem xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, qua đó giúp giảm lãi suất vay cho khách hàng và các công ty này có thể tiếp tục tham gia các gói tín dụng ưu đãi ý nghĩa khác.
Thứ ba, đối với Bộ Công an cần điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng “tín dụng đen” bất hợp pháp, các tổ chức đòi nợ thuê “tín dụng đen”; phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phương thức, hậu quả của “tín dụng đen” để người dân hiểu, cảnh giác và không tham gia.
Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Đặc biệt, khi triển khai các hoạt động kiểm tra, khám xét (nếu có) theo đúng trình tự của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các CTTCTD được NHNN cấp phép. Cần thông tin đến người dân về tính chất của các cuộc kiểm tra hành chính, tránh gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động tại chính các CTTCTD hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, VNBA cũng đề nghị, Bộ Công an xem xét tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp việc thẩm định, xác minh thông tin khách hàng trong quá trình xét cấp tín dụng được đầy đủ, chính xác và kịp thời, tiết kiệm nguồn lực cho các TCTD cũng như cả xã hội.
Thứ tư, đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến khích các cơ quan báo chí định hướng dư luận, có nhiều bài viết tuyên truyền, phổ biến để người dân yên tâm, tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các nguồn tín dụng tiêu dùng chính thức, qua đó phòng tránh được nạn tín dụng đen.
Thứ năm, đối với UBND các tỉnh, thành phố: Tuyên truyền để người dân trên địa bàn hiểu rõ vai trò của các CTTCTD được NHNN cấp phép và nâng cao ý thức trả nợ của người vay; hỗ trợ các TCTD trong công tác thu hồi nợ. Từ đó giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy tốt hơn nữa trong việc cung cấp tín dụng tiêu dùng cho người dân, đặc biệt là người yếu thế trong xã hội.
Thứ sáu, đối với các TCTD, cần nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu hồi nợ, rà soát, đánh giá và cải thiện máy quản trị rủi ro, quản lý chặt chẽ chất lượng nhân viên thu hồi nợ, đảm bảo nhân viên nắm rõ và tuân thủ quy định của công ty và pháp luật về công tác thu hồi nợ.
Tham gia đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Các nhân viên tín dụng cần thông tin đầy đủ, chính xác về hợp đồng tín dụng, tuân thủ quy định nhắc nợ, thu hồi nợ. Chú trọng đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cho người dân về hoạt động tín dụng tiêu dùng. Thông qua đó, giúp cho người dân có hiểu biết và lựa chọn đúng đắn, tiếp cận các sản phẩm tài chính an toàn, hiệu quả và lành mạnh.
Đồng thời, cần liên tục cập nhật và cảnh báo các thủ đoạn, chiêu trò hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen của các tổ chức, công ty tài chính phi chính thức để người dân cảnh giác và tránh hiểu nhầm các công ty tài chính chính thức.