Tháo gỡ khó khăn về thủ tục thuế, hải quan cho doanh nghiệp
Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chương trình đối thoại năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu năm thứ 17 chương trình đối thoại giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành thuế - hải quan, hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh một số điểm quan trọng, qua đó thấy rõ các nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính đã mang lại những kết quả quan trọng và tác động thế nào đến môi trường hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, vào thời điểm chương trình đối thoại được thực hiện cách đây 16 năm, một trong những chỉ số theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2006 về Việt Nam thì chỉ số nộp thuế của Việt Nam đứng sau nhiều nước trong khu vực, sau cả Lào và Campuchia.
Song, đến nay ngành Tài chính đã quyết tâm thực hiện cải cách, với nỗ lực và phương châm hành động quyết liệt để thực hiện quy trình cải tiến thủ tục hành chính thuế, hải quan, bền bỉ, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại bằng các hình thức khác nhau nhằm lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Qua đó từng bước nâng cao thứ hạng của ngành trong xếp hạng quốc tế và đem lại những cải tiến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp cả về quy trình thủ tục, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công, tự động hóa một số quy trình thủ tục, tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ thuế - hải quan, giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong những năm vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế.
Để hỗ trợ DN, người dân, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
"Dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho DN, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng). Có thể thấy, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ DN, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua." – Thứ trưởng Cao Anh Tuấn thông tin.
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách TTHC, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các DN, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung là hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại bộ phận một cửa |
Trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế theo phương thức điện tử: hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc với 99,9% DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 98,9% DN thực hiện nộp thuế điện tử; 99% DN tham gia hoàn thuế điện tử.
Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, DN đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định; Triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/03/2022 để tạo thuận lợi cho việc khai, nộp thuế và quản lý thuế cho nhà cung cấp nước ngoài, Ứng dụng Etax Mobile...
Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt; đẩy mạnh phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh, qua đó, đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các TTHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra chuyên ngành, tiến tới hội nhập quốc tế và phát triển các dịch vụ hải quan số mạnh mẽ.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng cho rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, áp lực lạm phát tăng cao... ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế.
Về phía Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt là tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt nhất theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.
Về lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện tổ chức đối thoại với DN có hoạt động XNK trên địa bàn từ đó nắm bắt các vụ việc phát sinh vướng mắc của DN thuộc thẩm quyền quản lý đã được giải quyết và chưa được giải quyết.
Các đơn vị cần chủ động rà soát, kiểm tra lại các nội dung vướng mắc, phát sinh tại đơn vị mình, đề xuất phương án giải quyết trước, trong và sau hội nghị. Đặc biệt, để cơ quan Hải quan có thể nghiên cứu, chuẩn bị nội dung giải đáp những vướng mắc liên quan được chi tiết và cụ thể nhất, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị cộng đồng DN gửi các vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan tại các đơn vị hải quan trên toàn quốc về các chi cục, cục nơi làm thủ tục hải quan hoặc gửi vướng mắc trực tiếp về Tổng cục Hải quan.