Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nội - ngoại cạnh tranh gay gắt
Thời gian qua, thông tin về việc nhà bán lẻ Thái Lan Central Retail sẽ rót 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới được các doanh nghiệp ngành bán lẻ đặc biệt quan tâm. Đáng quan tâm hơn nữa là tập đoàn này còn nhắm đến các cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) để mở rộng kinh doanh.
Central Retail là nhà bán lẻ Thái Lan được nhiều người biết đến qua thương vụ chi hơn 1 tỷ đô la thâu tóm chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam trước đây. Kế hoạch rót thêm vốn đầu tư ngoại này nhằm để thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026 lên 65.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại.
Theo đó, lãnh đạo Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm vì doanh số của thị trường Việt Nam tăng trưởng cao qua từng năm và đạt gần 38,6 tỷ baht (hơn 25.000 tỷ đồng) trong vòng 10 năm, chiếm 22% tổng doanh thu của Central Retail.
Central Retail hiện là một trong những nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tập đoàn có hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại trên 40 tỉnh thành với tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1 triệu m2.
Ảnh minh họa. |
Không chỉ Central Retail, Aeon Việt Nam (thuộc Tập đoàn Aeon - Nhật Bản) cũng khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới tại Việt Nam. Đến năm 2030, 30 trung tâm mua sắm mới của Aeon sẽ ra đời tại các thành phố lớn. Cùng với đó là việc phát triển các trung tâm và siêu thị có quy mô nhỏ hơn.
Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài khác khi đánh giá về dài hạn cũng cho rằng Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia có tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh và tốc độ đô thị hóa nhanh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, các tập đoàn bán lẻ Thái Lan thời gian qua đã thâu tóm thị trường bán lẻ Việt, đưa hàng Thái sang Việt Nam tiêu thụ. Nếu chiếm được phần lớn thị phần kênh phân phối, họ sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường bán lẻ Việt và có thể hoàn thành được vòng chu trình khép kín từ sản xuất tới phân phối, gây ra sức ép đối với hàng Việt và các nhà bán lẻ khác. Các chuyên gia nhìn nhận, các tập đoàn nước ngoài luôn có thế mạnh về vốn, có chiến lược dài hơi nên nắm nhiều lợi thế trong cạnh tranh giai đoạn mới.
Tuy vậy, một số nhà bán lẻ nội địa có tiềm lực lớn của Việt Nam trong thời gian qua đang nổi lên và cho thấy, cuộc “so găng” giữa các nhà bán lẻ nội và ngoại sẽ còn nhiều gay cấn.
Cuối quý II/2022 vừa qua, Nova Consumer đã hoàn tất thương vụ M&A Công ty TNHH Thực phẩm Mặt trời mọc (Sunrise Foods) với tham vọng mở rộng kênh phân phối lên 450.000 điểm bán lẻ trong tương lai. Bên cạnh đó, sau khi sở hữu Anco Family Food, Nova Consumer sẽ cùng tham gia vận hành và mở rộng kênh phân phối lên 450.000 điểm bán lẻ trong tương lai.
WinCommerce của Tập đoàn Masan, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart và WinMart+ đang nắm trong tay mạng lưới hơn 3.000 siêu thị. Trong năm 2022, WinCommerce đã tái cấu trúc thành công toàn bộ chuỗi bán lẻ và hoàn tất chuyển đổi thương hiệu trong tháng 4.
Để hiện thực hoá mục tiêu mở rộng các điểm bán lẻ, trong năm nay WinCommerce sẽ mở mới hơn 700 cửa hàng WinMart+ và hơn 20 siêu thị, đại siêu thị WinMart. Lãnh đạo của WinCommerce cũng cho biết đang tập trung vào phát triển mô hình điểm bán đa tiện ích và cửa hàng nhượng quyền.
"Các cửa hàng tích hợp đa tiện ích sẽ tối ưu hóa thời gian, mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng, trong khi mô hình nhượng quyền sẽ là phương thức để thương hiệu WinMart+ gần gũi và hiện hữu nhiều hơn trong đời sống của người tiêu dùng Việt", lãnh đạo WinCommerce chia sẻ.
Cũng như vậy, Saigon Co.op đang đẩy nhanh tiến độ để có thể đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025. Sở dĩ Saigon Co.op đặt mục tiêu như vậy là vì tập đoàn này mong muốn giữ vững vị thế đứng đầu về số lượng cửa hàng, siêu thị bán lẻ trên cả nước nhằm đem lại nhiều sản phẩm chất lượng tới tận tay cho người tiêu dùng cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao ấn tượng nhất so với cùng kỳ 5 năm gần nhất.
Nói về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Vivek Kaul, Giám đốc ngành bán lẻ của CBRE tại châu Á cho biết, Việt Nam vẫn là thị trường mục tiêu hàng đầu mà các nhà bán lẻ khảo sát để mở rộng hoạt động kinh doanh. Vì vậy, đã và đang có không ít nhà bán lẻ nước ngoài đến Việt Nam đầu tư và phát triển thị trường.
Tính đến nay, TP.HCM có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, hơn 3.000 siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ hiện đại (cửa hàng tiện lợi), 236 chợ truyền thống. Hệ thống phân phối hiện đại của thành phố được đánh giá có quy mô lớn nhất cũng như đa dạng và phong phú về loại hình nhất cả nước.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, dự kiến đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát triển thêm 67 siêu thị, 81 trung tâm thương mại...
“Việc phát triển hệ thống bán lẻ tại TP.HCM sẽ góp phần giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, các doanh nghiệp cũng có thể cạnh tranh công bằng để đưa đến những sản phẩm giá cả phải chăng nhưng chất lượng tốt. Về lâu dài, các doanh nghiệp nội muốn giữ vững thị trường nội địa vẫn cần chọn đầu tư những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nâng chất sản phẩm để có tính cạnh tranh cao”, ông Phương nói.