Thị trường hàng hóa: Giá cà phê Robusta thiết lập đỉnh lịch sử mới
Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới biến động mạnh Thị trường hàng hóa: Giá ngô giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm |
Giá cà phê Robusta thiết lập đỉnh lịch sử mới |
Giá cà phê Robusta tăng phiên thứ 4 liên tiếp
Khép lại phiên giao dịch ngày 9/7, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, giá cà phê Arabica tăng 6,63% lên 5.510,45 USD/tấn, chạm mức cao nhất trong 2 năm. Giá cà phê Robusta bật tăng 6,58% lên 4.634 USD/tấn, là phiên tăng thứ 4 liên tiếp, vượt mức đỉnh lịch sử được thiết lập vào tháng 4.
Sự suy yếu của tỷ giá USD/BRL, kết hợp cùng tồn kho cà phê đạt chuẩn trên Sở ICE tiếp tục giảm phiên thứ hai đã giúp giá Arabica giữ vững đà tăng.
Đồng Real nội tệ của Brazil mạnh lên kéo theo tỷ giá USD/BRL giảm mạnh gần 1% trong phiên hôm qua. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp đã hạn chế nhu cầu đẩy mạnh bán cà phê của nông dân Brazil. Điều này góp phần giúp lực mua chiếm ưu thế trên thị trường.
Bên cạnh đó, kết phiên 8/7, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp tục đánh mất thêm 2.710 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê đã qua chứng nhận tại đây còn 808.649 bao.
Đối với cà phê Robusta, lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại Việt Nam tiếp tục là yếu tố dẫn dắt thị trường. Nguồn cung trong nước eo hẹp đã kéo theo xuất khẩu đi xuống. Theo Tổng cục Hải quan, lượng cà phê xuất đi trong tháng 6 đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023, về còn 70.202 tấn. Đây cũng được ghi nhận là tháng sụt giảm thứ 3 liên tiếp. Tính chung trong nửa đầu năm 2024, nước ta mới chỉ xuất đi 893.820 tấn cà phê, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giới thương nhân cho rằng, tình trạng xuất khẩu ảm đạm và khan hiếm nguồn cung tại Việt Nam có thể kéo dài đến tháng 11 năm nay, khi vụ mới bắt đầu thu hoạch.
Cùng chung diễn biến giá, giá ca cao tăng mạnh 5,78% khi nguồn cung hiện tại trên thị trường vẫn còn eo hẹp. Tính từ đầu vụ 2023-2024 đến ngày 7/7, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,61 triệu tấn, giảm mạnh 29% so với cùng kỳ vụ trước. Hãng tư vấn Trader Ecom Agroindustrial đã hạ dự báo sản lượng ca cao 2023-2024 của nước này xuống mức thấp nhất trong 8 năm là 1,75 triệu tấn, giảm 21,5% so với cùng kỳ vụ trước.
Giá dầu nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp
Chốt phiên hôm qua, giá dầu thế giới suy yếu phiên thứ 3 liên tiếp, do rủi ro nguồn cung đến từ Mỹ giảm bớt. Chốt ngày, giá dầu WTI giảm 1,12% xuống mức 81,41 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 1,27% về 84,66 USD/thùng.
Các nhà giao dịch cho biết rằng sự gián đoạn nguồn cung dưới ảnh hưởng từ cơn bão Beryl là hạn chế. Mặc dù một số địa điểm sản xuất ngoài khơi của Mỹ đã được sơ tán, các cảng đóng cửa và hoạt động lọc dầu giảm tốc, thì các nhà máy lọc dầu lớn dọc theo Bờ Vịnh của Mỹ dường như không chịu quá nhiều tác động sau khi cơn bão Beryl suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Các cảng vận chuyển dầu lớn của Texas đã được thiết lập để mở cửa trở lại vào thứ ba sau khi buộc phải đóng của trước đó. Một số nhà điều hành như Marathon Petroleum cho biết họ cũng đang chuẩn bị khởi động lại các nhà máy lọc dầu của mình.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng có phản ứng trái chiều với những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell sau phiên điều trần của Quốc hội hôm thứ ba. Ông Powell nhận xét rằng nền kinh tế không còn quá nóng và thị trường việc làm cũng hạ nhiệt. Mặc dù cho thấy khả năng sắp cắt giảm lãi suất, giá dầu đã giảm sâu hơn sau những nhận xét vì nền kinh tế suy yếu có thể sẽ là yếu tố cản trở nhu cầu tiêu thụ dầu thô.
Có cùng quan điểm, trong Báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 7, Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong năm nay xuống 2,4%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với ước tính trước đó.
Tuy nhiên, đà giảm trên thị trường đã được thu hẹp cuối phiên giao dịch khi mặc dù hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ, EIA cho biết thị trường vẫn ở trạng thái thâm hụt đáng kể trong 2024 với mức thâm hụt cả năm đạt trung bình 500.000 thùng/ngày, cao hơn 100.000 thùng/ngày so với ước tính trước đó. Cụ thể, sản lượng dầu toàn cầu năm 2024 được EIA điều chỉnh giảm về mức 102,4 triệu thùng/ngày, từ mức 102,6 triệu thùng/ngày, trong khi tăng trưởng nguồn cung được giữ nguyên ở mức 1,1 triệu thùng/ngày.
Cùng với đó, trong rạng sáng nay, Viện Dầu khí (API) Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm gần 2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/7, so với dự báo giảm 0,7 triệu thùng của thị trường. Áp lực tồn kho qua đó đã kéo giá dầu hồi phục trở lại.