Trong năm 2023, Cơ quan chức năng cũng xác định đây là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại của lực lượng quản lý thị trường, nhất là trên môi trường mạng.
Với nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, hiện đây đang là thị trường béo bở cho các gian thương. Khách hàng có thể dễ dàng mua được những loại mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ý... nhưng với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với hàng chính hãng. Tại một cửa hàng bày bán các loại nước hoa, phấn trang điểm tại ở chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), hàng loạt các sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng được trưng bày, giới thiệu như Chanel, Gucci, Dior, Versace, Victoria secrect, Lancome… cùng nhiều mỹ phẩm mang nhãn mác của các thương hiệu đang được ưa chuộng trên thị trường hiện nay... nhưng giá chỉ vài trăm nghìn đồng, bằng 1/10 các hàng chính hãng. Theo giới thiệu của chủ cửa hàng, đây là khu chợ bình dân, nguồn gốc các sản phẩm thì thường là “hàng nội địa” của một số quốc gia châu Á nên giá rẻ!
![]() |
Trưng bày hàng mỹ phẩm thật - giả tại Hà Nội |
Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, hầu hết những sản phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tại các chợ sinh viên, các khu công nghiệp, nông thôn… đều là hàng nhái, hàng giả, được gắn mác của các hãng nổi tiếng để “qua mặt” người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm này đang được bán tràn lan trên mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... Nhiều đối tượng thường mua hàng trôi nổi hoặc những cơ sở sản xuất mỹ phẩm có giá rất rẻ, sau đó dán tem mác như hàng thật và bán ra thị trường.
Thời gian qua các lực lượng chức năng đã tăng cường chấn áp, song vấn nạn này vẫn rất nhức nhối. Hiện Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xác minh và xử lý đối với hơn 6.000 sản phẩm hàng hóa, mỹ phẩm có nhãn hiệu nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ vừa được Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận phát hiện… Qua kiểm tra cơ sở kinh doanh này, lực lượng chức năng phát hiện thêm 20 thùng mỹ phẩm (bên trong là các bịch nilong chứa dung dịch dạng lỏng, màu vàng, không có nhãn hiệu, mỗi thùng nặng 40kg) và 5.880 hũ nhựa (dùng để chứa mỹ phẩm, màu đỏ, không có nhãn mác).
Trước đó, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện tại 2 địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn quận Gò Vấp, lưu trữ hàng chục nghìn sản phẩm hàng hóa mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Trong đó, phát hiện và thu giữ hơn 6.000 sản phẩm là dầu gió xanh Singapore, dầu xả bưởi, kem body Bạch Ngọc Liên, kem face Pháp, kem body Pháp, bông tẩy trang. Theo giá trị đang được niêm yết trên thị trường mạng, lô hàng có tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, thu giữ gần 340 thùng hàng hóa với tổng số lượng trên 30.000 tuýp/chai các sản phẩm là khử mùi Coast, Gel lột mụn 24k Gold mask, nước hoa OUD AL SUNTAN, nước hoa Karri, xịt chống nắng M’AYCREATE với tổng trị giá trên 738 triệu đồng...
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, hiện hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội diễn ra khá phổ biến. Hầu hết sử dụng hình thức vận chuyển trung gian và giao hàng tại nhà, nên các đối tượng đã lợi dụng để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc không có kho hàng cố định, tập kết hàng cũng gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, dùng công nghệ để xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet; các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không chính xác, gây khó khăn trong việc xác minh thông tin, truy vết các đối tượng.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã tiến hành tiêu hủy khoảng 15 tấn hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... trị giá gần 8,5 tỷ đồng. Riêng một lô hàng nước hoa có giá trị tới khoảng 6 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc sử dụng hàng hóa mỹ phẩm giả không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy cần biện pháp mạnh tay để xử lý các hộ kinh doanh, cá nhân vi phạm này. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, lực lượng cũng xác định hóa phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm liên quan đến sức khỏe của người dân, do vậy đây là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại của lực lượng quản lý thị trường, nhất là trên môi trường internet.
Đặc biệt, trong năm 2023, ngay từ đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cũng có những chuyên đề phát hiện, tấn công vào các cơ sở kinh doanh vi phạm liên quan đến việc các mặt hàng hóa phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm. Đầu tháng 3/2023, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã tổ chức trưng bày hàng thật - hàng giả đối với ngành hàng hóa mỹ phẩm ở Hà Nội. Tại đây, trưng bày hơn 500 sản phẩm của hơn 30 nhãn hiệu hay bị làm giả trên thị trường, chủ yếu là dầu gội, sữa tắm thông dụng, được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.
Để hạn chế tình trạng buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng, chỉ nên mua tại cửa hàng có uy tín, đừng vì ham khuyến mãi, giá rẻ mà vô tình tiếp tay cho đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Bài và ảnh Nguyễn Minh
Nguồn: