Thị trường vàng 15/7: Chùng xuống, chờ động lực tiếp theo
Thị trường vàng 14/7: Áp lực chốt lời khiến vàng lùi bước | |
Thị trường vàng 13/7: Hồi phục mạnh |
Đến 9h sáng nay (15/7) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới giảm 1 USD/oz (0,06%) so với đóng cửa phiên gần nhất, chốt ở mức 1.808,8 USD/oz. Giao dịch trong phiên dao động quanh mức 1.789,3 - 1.812,2 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng tương lai tháng 8 trên sàn Comex giảm 1,4 USD (0,08%) so với cuối phiên trước, hiện đang ở mức 1.812 USD/oz.
Mặc dù đã trở lại ngưỡng quan trọng 1.800 USD/oz, tuy nhiên giá vàng vẫn dao động quanh mức này và chưa cho thấy dấu hiệu có thể bật tăng mạnh mẽ.
"Vàng chắc chắn sẽ tiếp tục tăng nhưng có vẻ đang chờ đợi thêm các động lực hoặc động thái lớn tiếp theo. Có một số động lực hiện đang hỗ trợ vàng tăng giá, bao gồm cả thông tin về sự gia tăng số ca nhiễm virus mới", James Hatzigianni, chiến lược gia trưởng thị trường tại Ploutus Capital Advisors, nói.
Các nhà phân tích dự báo, kim loại quý màu vàng - tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh hiện nay - sẽ được hưởng lợi từ dữ liệu kinh tế vừa công bố, cho thấy lạm phát đang gia tăng. Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,6% trong tháng 6 - tháng tăng lớn nhất kể từ năm 2012.
Bên cạnh đó, giá vàng cũng được hưởng lợi từ thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng tăng. Theo Washington Post, báo cáo hôm thứ Hai của Bộ Tài chính Mỹ cho biết thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục 864 tỷ USD trong tháng trước, do các phản ứng chính sách tài khóa bất thường của chính phủ trước đại dịch Covid-19. Lũy kế 9 tháng đầu năm, thâm hụt tài khóa đã lên đến 2,7 nghìn tỷ USD.
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang là điểm nóng mà thị trường quan tâm. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố trừng phạt tập đoàn Lockheed Martin sau khi Mỹ chấp thuận cho doanh nghiệp này cung cấp các bộ phận tên lửa cho Đài Loan.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị đình trệ do đại dịch. Tuy nhiên, Reuters đưa tin, Tổng thống Donald Trump đang không "hài lòng" với Trung Quốc vì đại dịch Covid-19 và một số vấn đề an ninh trong khu vực.. mặc dù cả hai bên vẫn đang ở giai đoạn đầu của một thỏa thuận thương mại giai đoạn hai.
Vì vậy theo các chuyên gia, mặc dù chưa bứt phá nhưng các nguyên tắc cơ bản vốn là nhân tố cốt lõi đẩy giá vàng cao hơn vẫn còn.
Chi tiêu "khổng lồ" của Cục Dự trữ Liên bang và Kho bạc Mỹ, cùng với các gói kích thích lớn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục được triển khai. Những chi tiêu này sẽ kéo dài sau khi đại dịch lắng xuống, sự sụp đổ kinh tế chưa từng có sẽ xảy ra, đây là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng có lợi cho vàng.
Tại thị trường trong nước, tính đến 9h sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 50,25 - 50,62 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 90 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC hiện đang được niêm yết ở mức 50,25 - 50,64 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 90 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện niêm yết giá vàng AVPL tại TP.HCM ở mức 50,30 - 50,55 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 180 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng DOJI AVPL đang được niêm yết ở mức 50,30 - 50,55 triệu đồng/lượng, tăng 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên trước đó.