Thiếu nguồn cung vật liệu san lấp, công trình chậm tiến độ
Doanh nghiệp vật liệu xây dựng kỳ vọng vào những chính sách mới Ngành vật liệu xây dựng "kiên nhẫn" chờ thời cơ |
Theo các cơ quan chức năng tỉnh, công tác lập và thực hiện quy hoạch, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập. Đơn cử như số điểm quy hoạch khoáng sản được cấp phép khai thác còn thấp (51/199 điểm; chiếm 25,6%), nhất là số điểm đất san lấp chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Cụ thể, có 30/89 điểm cát làm VLXDTT được cấp phép, chiếm 33,7% so với quy hoạch; 18/60 điểm đá xây dựng được cấp phép, chiếm 30% so với quy hoạch; 2/32 điểm đất san lấp được cấp phép, chiếm 6,25% so với quy hoạch... Do đó, các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương tiến hành rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung, đưa ra khỏi quy hoạch các điểm mỏ theo đúng quy định… để đảm bảo nguồn cung thực tế cho thị trường.
Nhu cầu đất đắp để triển khai trong giai đoạn 2023-2025 cần trên 2 triệu mét khối đất san lấp |
Các nhà thầu thi công các công trình trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho rằng, việc khan hiếm nguồn đất đắp phục vụ thi công các công trình lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác thi công các công trình, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công và thời gian bàn giao công trình như đã dự kiến...
Hiện không ít dự án khai thác VLXDTT trên địa bàn bị “đóng cửa” với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đơn cử, trong tháng 7/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum ban hành Thông báo về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp của Công ty cổ phần xây dựng công trình Sông Hồng với lý do các dự án đầu tư khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp của đơn vị này đã hết thời hạn hoạt động và thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo Điểm c, Khoản 1, Điều 48 của Luật Đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, hiện nhiều chủ đầu tư đang gặp khó khăn về nhu cầu đất đắp để thi công các công trình trên địa bàn. Tại các dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư có nhu cầu đất đắp để triển khai trong giai đoạn 2023-2025 khá lớn. Theo tính toán, các dự án trên cần trên 2 triệu m3 vật liệu san lấp; Cùng với đó là khoảng 1,5 triệu mét khối đất đắp còn thiếu để triển khai các dự án trong giai đoạn 2021-2022…
Một trong những dự án cần khối lượng lớn vật liệu san lấp là dự án đường trục chính phía Tây TP. Kon Tum cần khoảng 570 ngàn mét khối đất đắp. Hay như dự án kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn TP. Kon Tum cần 690 ngàn m3 đất; dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng đường bao khu dân cư phía Bắc TP. Kon Tum cần gần 1,6 triệu m3 đất; dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng đường bao khu dân cư phía Nam TP. Kon Tum cần khoảng 459 ngàn m3…
Thực tế, tại một số công trình đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum như dự án đường trục chính phía Tây TP. Kon Tum, dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn… đang vắng bóng công nhân thi công. Một số dự án khác đã có mặt bằng nhưng nhà thầu không thể tiếp tục triển khai thi công cũng bởi không có đất đắp.
Theo các đơn vị thi công, do chưa có nguồn vật liệu đất đắp để thi công nền đường nên chưa thể triển khai các hạng mục hạ tầng phía trên như hệ thống cống, rãnh, hào kỹ thuật, hệ thống điện ngầm cũng như các kết cấu mặt đường, vỉa hè bên trên. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến công trình chậm tiến độ thi công.
Theo Ban quản lý dự án tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum, các dự án, công trình do Ban làm chủ đầu tư có nhu cầu đất đắp trong giai đoạn 2023-2025 cần 2 triệu m3 đất. Trước tình hình này, Ban quản lý đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum cùng các ngành liên quan sớm xem xét tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn trên, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung tháo gõ vướng mắc trong công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch khoáng sản làm VLXDTT; chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá, cho thuê đất khu vực khai thác khoáng sản, bến bãi... tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; thực hiện nghiêm việc đóng cửa các điểm mỏ hết trữ lượng khai thác, không đảm bảo thủ tục pháp lý theo quy định…