Thời cơ cho công nghiệp hỗ trợ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thách thức trong cạnh tranh về giá | |
Cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ “lột xác” | |
“Len chân” vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ |
Rộng đường phát triển
“Dưới tác động của đại dịch Covid-19 và xu hướng bảo hộ đầu tư, khuyến khích dàn đều các chuỗi sản xuất toàn cầu, việc dịch chuyển của các doanh nghiệp công nghiệp điện tử khu vực ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… là một xu hướng tất yếu. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp nhận dòng đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó có CNHT”, ông Nguyễn Hoàng - Phó chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA) nhận định. Đặc biệt, điện tử đã và đang là lĩnh vực mũi nhọn mà các tập đoàn lớn của thế giới đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, kéo theo tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cho lĩnh vực này.
Minh chứng là trong số 17 ngành kinh tế nhận được vốn đầu tư nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt đang đứng trước nhiều cơ hội để “chuyển mình” |
Các doanh nghiệp công nghiệp điện tử cũng tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đơn cử như Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD tại Thái Nguyên. Mới đây, Samsung cũng quyết định phát triển mạnh hơn tại Việt Nam bằng việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lớn nhất của Tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD ở Hà Nội. Hay dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hong Kong, Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD.
Bên cạnh đó, dưới tác động của đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng, nguồn cung hàng hoá của nhiều doanh nghiệp lớn đều bị ảnh hưởng. Vì vậy nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng trong nước để tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Công ty TNHH Techtronic Industries Việt Nam Manufacturing (Tập đoàn TTI) cho biết, hiện doanh nghiệp này đang tăng cường tìm kiếm hơn 300 nhà cung cấp CNHT trong nước để cung ứng hàng nghìn chi tiết, linh kiện... Không chỉ TTI, hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Samsung, Panasonics, Bosch, Juki, Towa… cũng đang ráo riết tìm kiếm nhà cung ứng CNHT Việt Nam. Trên trang thông tin của mình, VASI cũng liên tục phát đi thông báo nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, năng lực của các nhà cung ứng nội địa vẫn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Đại diện một doanh nghiệp FDI cho biết, khi tìm được đối tác tiềm năng, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ kiến thức, hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT cải tiến kỹ thuật trong 1-2 năm đầu hợp tác. Song doanh nghiệp Việt hiện đang có tư duy muốn có đơn hàng luôn mà không đầu tư, nâng cấp trình độ kỹ thuật, chỉ nhìn lợi ích trước mắt chưa tính con đường lâu dài trong khi các doanh nghiệp FDI vốn có yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật.
Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực
Không chỉ chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, theo Bộ Công thương, hiện CNHT mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp. Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu. Vì vậy khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất.
Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%. Các doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thoả đáng cho đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.
Theo các chuyên gia, đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam bởi về dài hạn, trong bối cảnh chi phí nhân công đang tăng dần với tốc độ tăng nhanh hơn năng suất lao động, các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia sẽ sớm rời bỏ Việt Nam nếu ngành CNHT kém phát triển. Thay vào đó, họ sẽ chú trọng đầu tư sản xuất vào những khu vực có thể tận dụng được hỗ trợ từ ngành CNHT tốt.
Chủ tịch HANSIBA cho rằng, thực tế đã có rất nhiều chính sách để phát triển CNHT, tuy nhiên để theo kịp với sự phát triển của thị trường cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp thì vẫn cần có nhiều thay đổi. Đơn cử như việc điều chỉnh chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam, trong đó tập trung vào hạ tầng đất đai - nhà xưởng, thuế, kết nối tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu, hỗ trợ tìm nguồn vốn ưu đãi, kết hợp đào tạo lao động chuyên sâu cho ngành CNHT…
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam bổ sung thêm, cần rà soát lại các chính sách hiện hành đối với sự phát triển của CNHT, đồng thời cần chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng lớn của quốc tế hoặc đưa chuỗi cung ứng từ nước ngoài vào Việt Nam, thành lập cụm công nghiệp cho ngành da giày.
Thực tế, việc phân bố không gian công nghiệp tại Việt Nam tuy đã hình thành nhưng chưa thể hiện rõ nét, còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, tiềm năng lợi thế của từng địa phương, từng vùng kinh tế chưa được khai thác hết. Vì vậy, cần tăng cường sự hợp tác và liên kết giữa các vùng kinh tế trong phát triển CNHT để thu hút đầu tư và phân bổ nguồn lực.
Ông Hoàng cũng vui mừng cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương sớm nghiên cứu, trình Thủ tướng giải pháp phát triển CNHT trong thời gian tới.
Cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp CNHT nói riêng cũng đang chờ đợi việc đưa Luật Phát triển Công nghiệp nhanh vào đời sống. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để phát triển công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, giúp doanh nghiệp CNHT tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.