“Len chân” vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ
Phục hồi công nghiệp hỗ trợ: Cần đi trước một bước | |
Công nghiệp hỗ trợ cần nhiều động lực hơn | |
Ưu đãi thuế với dự án công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển |
Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu DN đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng DN CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh ngành CNHT cần phải có những giải pháp cụ thể. Theo Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), để các DN CNHT có thể “len chân” vào thị phần thế giới cần có định hướng và chiến lược phù hợp trong thời gian tới, đặc biệt là về cơ chế, chính sách.
Thời gian qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với cộng đồng DN, nhất là các DN trong lĩnh vực CNHT. Theo khảo sát của Hiệp hội DN ngành CNHT thành phố Hà Nội (HANSIBA), gần 90% số DN thuộc HANSIBA đã bị giảm doanh số; 50% số DN phải hoạt động cầm chừng, một số DN đã phải chuyển hướng sản xuất. Theo HANSIBA, ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta vẫn còn một số hạn chế như năng lực quản lý sản xuất thấp; tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; sản xuất kinh doanh còn manh mún, bị động; giá trị gia tăng tạo ra trong nước chưa ổn định, năng lực cạnh tranh của DN còn kém.
Ngành CNHT Việt Nam đang nỗ lực vượt khó |
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện, cơ chế tốt nhất để phát triển ngành CNHT và xác định ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, CNHT là động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, để CNHT vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cần nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sát thực tế hơn. Bên cạnh sự nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất của mỗi DN thì hệ thống cơ chế chính sách về CNHT cần được hoàn thiện và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa.
Hà Nội là địa phương có nhiều lợi thế lớn trong lĩnh vực phát triển CNHT, phủ rộng ở nhiều lĩnh vực từ ôtô, cơ khí đến điện tử, dệt may… Để hỗ trợ các DN CNHT phát triển, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN CNHT. Theo đó thành phố chú trọng thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng DN hoạt động trong lĩnh vực này; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Nâng cao năng lực của DN sản xuất sản phẩm CNHT, tập trung phát triển 3 lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày. Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc “Thực hiện chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2021”, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN, khuyến khích phát triển CNHT, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư… giúp DN tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Trong năm 2022 thành phố tiếp tục đưa ra các kiến nghị, giải pháp để tạo điều kiện cho các DN ngành CNHT Thủ đô phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy do dịch Covid-19, ngành CNHT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để có thể đạt được mục tiêu đặt ra cũng như duy trì đà phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HANSIBA cho biết, để phát triển ngành CNHT Việt Nam trong thời gian tới, trước mắt cần sớm xây dựng Luật CNHT, trình Quốc hội và ban hành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5%-10% trên tổng số DN Việt Nam. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng, Nhà nước cần có quy hoạch và chính sách cụ thể để hỗ trợ hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu tại 3 miền Bắc – Trung – Nam. Cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển các ngành CNHT để hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực của đất nước và cạnh tranh không cần thiết. Đặc biệt, việc kết nối các DN tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng để từ đó các DN CNHT Việt Nam trực tiếp tham gia được vào chuỗi sản xuất.
Hiện cộng đồng DN ngành CNHT có khoảng gần 500 DN, tổ chức và cá nhân hộ gia đình tham gia sản xuất các sản phẩm CNHT. Theo mục tiêu tại Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về CNHT, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 DN CNHT và đến năm 2030 có khoảng 2.000 DN CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, trên thị trường nội địa chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. |