Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thách thức trong cạnh tranh về giá
Cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ “lột xác” | |
“Len chân” vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ | |
Phục hồi công nghiệp hỗ trợ: Cần đi trước một bước |
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chia sẻ, hiện mới có hơn 300 doanh nghiệp Việt đủ điều kiện là nhà cung cấp cấp 1 về linh kiện trong ngành chế biến, chế tạo cho các tập đoàn đa quốc gia ở trong nước. Trong khi suốt nhiều năm Việt Nam theo đuổi “giấc mơ” công nghiệp hóa, thu hút doanh nghiệp nước ngoài để qua đó vừa học hỏi quản lý và kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ đồng thời đặt nền móng cho chuỗi cung ứng, thì nhiều ngành công nghiệp trọng điểm vẫn đang chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc do doanh nghiệp FDI cung cấp. Ví dụ, công nghiệp điện tử phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu, ô tô là 70%...
Trong số các chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, thì chuỗi xe máy của Honda được đánh giá là khá thành công. Rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam đến nay đang nằm trong chuỗi sản xuất linh phụ kiện xe máy của Honda. Tuy nhiên với thương hiệu Piaggio, do chủ yếu xuất khẩu nên yêu cầu về chất lượng cao hơn và vì vậy tỷ lệ nội địa hóa hiện còn thấp.
Chỉ có hơn 300 DN Việt là nhà cung cấp cấp 1 linh kiện trong ngành chế biến, chế tạo cho các tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam |
Đối với lĩnh vực ô tô, lấy dẫn chứng về Toyota, VASI cho biết hiện mới chỉ có 6 doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo được các điều kiện để cung cấp sản phẩm cơ khí, nhựa cho tập đoàn của Nhật này.
Đáng chú ý về lĩnh vực công nghiệp điện tử, trong thời gian qua đã có khá nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành này, tuy vậy phần lớn linh kiện hiện nay vẫn phải nhập khẩu.
Khi Samsung vào Việt Nam, đã có rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hàn Quốc đi theo để cung cấp linh kiện cho họ. Còn Canon, đến nay đã không còn nỗ lực nội địa hóa nữa vì doanh nghiệp Việt gần như không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng trên, ngoài lý do các yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn, đại diện VASI cho rằng đó là do sản phẩm của Việt Nam không thể cạnh tranh về giá so với các nhà cung cấp nước ngoài. Các công ty công nghiệp hỗ trợ FDI phát triển trước các doanh nghiệp Việt từ lâu, lại sở hữu nền tảng công nghệ, hệ thống quản trị chuyên nghiệp hơn nên giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm Việt, bà Bình cho biết thêm.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh và Đối ngoại của Toyota Việt Nam đưa ra một bài toán so sánh trong ngành sản xuất ô tô: hiện dung lượng thị trường của Thái Lan, Indonesia đạt 1 triệu xe/năm, trong khi Việt Nam chỉ đạt khoảng 400 nghìn xe/năm. Ngành ô tô của hai quốc gia nói trên cũng đã phát triển lâu đời hơn Việt Nam, không những thế, Việt Nam lại đang chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi xe nhập khẩu từ các nước trong khu vực.
Dung lượng thị trường nhỏ cũng là lý do chính khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước không muốn đầu tư, bởi khó cạnh tranh với hàng ngoại.
Trên thực tế, việc trở thành nhà cung cấp linh phụ kiện cho doanh nghiệp FDI là câu chuyện đã bàn rất nhiều nhưng đến nay dường như chưa có lời giải thỏa đáng. Chính sách phát triển cho ngành này là khá đầy đủ, song vấn đề thực thi còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn N&G kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội kiến nghị cần sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và ban hành trong thời gian nhanh nhất.
Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, quyết tâm đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5-10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng mong muốn có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn như lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp... cũng như cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài (đặc biệt là Nhật Bản) để có thể nâng cao khả năng sản xuất, liên kết tham gia chuỗi sản xuất và toàn cầu.
Cùng với đó, việc kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam là hết sức quan trọng, để họ hỗ trợ, thúc đẩy và “kèm cặp” các doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, ông Hoàng nhấn mạnh.