Thu mua rác nhựa để hạn chế xả thải
Chiến lược chuyển đổi thân thiện môi trường | |
Xử lý chất thải rắn xây dựng: Nỗ lực đầu tư công nghệ cao |
Ảnh minh họa |
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Đến năm 2030, TP.HCM sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy.
Để xử lý rốt ráo rác thải nhựa, ngành môi trường TP.HCM lên kế hoạch xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế góp phần thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác, tạo ra nguồn tài nguyên mới từ chất thải, giảm khối lượng chất thải ra các bãi chôn lấp, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho các hoạt động tái sinh, tái chế nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM (Citenco) cho biết việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay do 2 hệ thống công lập và dân lập thực hiện, trong đó hệ thống công lập (Citenco và 22 công ty Dịch vụ công ích (DVCI) quận/huyện) thu gom 40% khối lượng rác toàn thành phố. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nội thành đạt 100%. Riêng khu vực ngoại thành chỉ đạt 70 - 80%, do một bộ phận người dân… tự xử lý, gây nhiều hệ lụy về môi trường.
Theo ông Nhựt, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiện nay còn dàn trải, chưa tập trung, phương tiện, thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chưa đồng bộ, hiện đại. Việc xử lý chất thải rắn chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao. Hiện nay, TP.HCM chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế. Hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường.
Chính vì vậy, trung tuần tháng 11, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Theo dự kiến, trong giai đoạn 1, TP.HCM sẽ thu mua theo giá thị trường các loại rác thải tái chế từ giấy, nhựa, mica, lon bia, sắt, inox, đồng, nhôm, chai thủy tinh… Chất thải sau khi tiếp nhận sẽ được phân loại thành 4 nhóm (nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh) để xử lý tái chế.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND 24 quận, huyện cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức của các cá nhân, tổ chức trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, không xả rác khi tổ chức và tham gia các sự kiện, lễ hội trên địa bàn thành phố. Cần đảm bảo việc không sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần ở khu vực tổ chức lễ hội, sự kiện.y