Chiến lược chuyển đổi thân thiện môi trường
Giá trị của cây xanh đô thị | |
Xử lý chất thải rắn xây dựng: Nỗ lực đầu tư công nghệ cao | |
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới: Hành động vì thiên nhiên |
Mới đây, tại Co.opmart Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) đã diễn ra “Ngày hội tái chế vỏ hộp sữa” kết hợp với nhà cung cấp Nestle của nhãn hàng Milo, tiến hành thu vỏ hộp và tặng sữa, tặng quà để tuyên truyền kiến thức phân loại rác ngay tại nguồn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Hoạt động này đã và đang lần lượt diễn ra tại hàng trăm siêu thị Co.opmart, Co.opXtra trên cả nước. Vỏ hộp thu gom được sau đó sẽ chuyển cho công ty R&W xử lý.
Ngoài ra, trong suốt tháng 6/2020, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op trên cả nước đồng loạt lấy chủ đề “Tháng tiêu dùng xanh” để kết hợp vừa khuyến mãi giảm giá các mặt hàng thiết yếu, vừa hướng người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của những DN thực hiện tốt công tác môi trường và kích cầu cho những sản phẩm thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng. Hệ thống siêu thị của Saigon Co.op áp dụng giảm giá đến 50% cho hơn 10.000 sản phẩm thân thiện với môi trường, tặng hơn 100.000 phiếu mua hàng cho khách hàng mua sản phẩm của DN xanh...
Các DN sản xuất, kinh doanh cũng tích cực tham gia chương trình giảm thiểu rác thải từ túi nhựa, túi ni-lông sử dụng 1 lần |
Thời gian qua, cộng đồng DN cũng đã tích cực hưởng ứng, tham gia triển khai các hoạt động phát triển bền vững. Trong đó có thể kể đến Tetra Pak (tập đoàn sản xuất bao bì lớn của Thụy Điển) đã phối hợp cùng LOTTE Mart và NHC tổ chức chương trình phân loại, thu gom và tái chế hơn 100 tấn vỏ hộp sữa sau 3 tháng. Nhà sản xuất này còn tích cực hợp tác với các hội, nhóm cộng đồng hoạt động vì môi trường tại Việt Nam để thiết lập và mở rộng các điểm thu gom công cộng, giúp người tiêu dùng mang vỏ hộp sữa đến để thu gom đi tái chế.
Các DN sản xuất, kinh doanh cũng tích cực tham gia chương trình giảm thiểu rác thải từ túi nhựa, túi ni-lông sử dụng 1 lần bằng cách thay đổi thiết kế bao bì, sử dụng vật dụng bao gói, đựng thực phẩm bằng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Đến nay, gần như 100% siêu thị đã sử dụng túi ni-lông tự hủy thay cho túi ni-lông thông thường. Một số nhà bán lẻ còn có chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải, túi thân thiện môi trường khi đi mua sắm tại siêu thị, khuyến khích nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, tăng cường các sản phẩm xanh tới người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê, có đến 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra mỗi năm, trung bình mỗi ngày TP. HCM và Hà Nội thải ra 80 tấn nhựa và túi ni-lông. Tiêu thụ nhựa tại Việt Nam tăng trưởng 10%/năm, thuộc hàng cao nhất trên thế giới và xếp thứ 3 tại khu vực ASEAN. Việt Nam cũng đứng thứ 4 thế giới về thải rác nhựa ra biển và nếu không được tái chế, lượng chất thải nhựa tại Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Theo các chuyên gia về môi trường, hàng triệu tấn rác thải nhựa là "rác chết" phát sinh mỗi năm, được đổ ra các bãi chôn lấp hoặc nằm đâu đó ngoài môi trường tự nhiên mặc dù chúng có thể tái chế, chỉ khoảng 6.000 - 7.000 tấn được thu gom tái chế. Chính vì lượng nhựa tiêu thụ và phát thải ra môi trường lớn như vậy, Việt Nam đang đối diện với "ô nhiễm trắng", gây tác hại đến sức khỏe và đời sống con người. Thực tế, Việt Nam đã phát triển được những sản phẩm thay thế cho nhựa nhưng giá thành rất đắt, gấp từ 10-20 lần so với sản phẩm nhựa và người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi trả cho khoản chênh lệch đó. Vì vậy, về thực chất, trước mắt nhu cầu sử dụng nhựa chưa thể giảm. Vấn đề là chống rác thải nhựa chứ không phải chống sản phẩm nhựa. Đặc biệt, trong điều kiện hiện tại, khi người dân chưa có điều kiện để chi trả nhiều hơn cho sản phẩm thân thiện với môi trường thì việc "nói không với sản phẩm nhựa" sẽ gây khó cho DN bởi nếu không sử dụng nguyên liệu nhựa, DN khó xoay xở nguyên liệu thay thế để không quá ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.
Về cơ chế chính sách, Bộ Công thương đã quy định đến năm 2021, các chợ, cửa hàng, siêu thị tại khu vực thành thị sẽ “nói không” với sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Ngành y tế cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành giảm thiểu chất thải nhựa. Đồng thời, Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải. DN sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường được giảm, miễn thuế xuất khẩu. Ngoài ra, các DN sản xuất các sản phẩm này sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn "nhãn xanh Việt Nam".
Vừa qua, UBND TPHCM ban hành kế hoạch thực hiện “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021. Từ năm 2020 trở đi, Sở Tài chính thành phố không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị. Đến hết ngày 31/12/2020, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… trên địa bàn sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy. Các tiểu thương tại chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung kiểm soát ô nhiễm môi trường về rác thải nhựa, đẩy mạnh việc tổ chức thu gom, tái chế chất thải nhựa, túi ni-lông trên địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. |