Thúc đẩy bình đẳng giới nơi làm việc
Thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành Ngân hàng Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ phụ nữ nông thôn Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật của Ngân hàng Nhà nước |
Từ khi Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều công ty đã bắt đầu thúc đẩy bình đẳng giới nơi làm việc như một phần của xu hướng toàn cầu rộng lớn hơn. Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các công ty Việt Nam thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu thường chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp bình đẳng giới so với các doanh nghiệp địa phương.
Theo thống kê, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc. Tỷ lệ lực lượng lao động nữ của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trong khu vực ASEAN, phản ánh sự tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch giữa sự tham gia của nữ giới và nam giới. Chẳng hạn, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 62,7%, trong khi nam giới là 75,4%, theo Tổng cục Thống kê năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ nữ sở hữu doanh nghiệp vẫn còn khá thấp, khoảng 20%, và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc giải quyết những khoảng cách này là một thách thức đáng kể cần được ưu tiên trong những năm tới.
Tỷ lệ lực lượng lao động nữ của Việt Nam thuộc hàng cao nhất ASEAN |
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù lao động nữ hiện chiếm khoảng 47,7% lực lượng lao động tại Việt Nam, nhưng nữ giới vẫn thường bị “bỏ lại phía sau” trong tuyển dụng, đào tạo, tiền lương, bổ nhiệm, thăng tiến… tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Tình trạng mất cân đối này không chỉ hạn chế cơ hội phát triển của phụ nữ, mà còn gây bất công về thu nhập, bởi các công việc văn phòng thường có mức lương thấp hơn so với các vị trí quản lý và kỹ thuật.
Khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, các công ty sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc áp dụng các tiêu chuẩn bình đẳng giới tại nơi làm việc. Đơn cử như chương trình Tăng tốc tài chính khí hậu (CFA) của Chính phủ Anh, yêu cầu tất cả các ứng viên phải thể hiện khả năng giải quyết bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI). Bên cạnh đó, Đạo luật chuỗi cung ứng của Đức, có hiệu lực từ tháng 1/2023, và các yêu cầu sắp tới của EU về chuẩn mực xã hội trong kinh doanh sẽ sớm trở thành bắt buộc đối với các công ty muốn vào thị trường châu Âu.
Nhận định về vấn đề này, ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE (một doanh nghiệp xã hội chuyên thúc đẩy bình đẳng giới, đa dạng và hòa nhập ở cả nơi làm việc và xã hội rộng lớn hơn) cho rằng ở Việt Nam, sự quan đối với bình đẳng giới nơi làm việc đã phát triển đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Luật Bình đẳng giới năm 2006 đánh dấu một nỗ lực lập pháp then chốt nhằm loại bỏ phân biệt giới và thúc đẩy cơ hội bình đẳng trong các ngành khác nhau. Theo ông Bình, cần có các quy định pháp quy cụ thể để đảm bảo bình đẳng giới trong việc làm và quan hệ lao động, đặc biệt là về cơ hội và đối xử công bằng. Các nhà tuyển dụng phải cung cấp cơ hội bình đẳng cho tất cả người lao động bất kể giới tính trong tuyển dụng, trả lương, đào tạo và thăng tiến… Ngoài ra, Bộ luật Lao động khuyến khích các nhà tuyển dụng thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhân viên nữ, như cung cấp kỳ nghỉ thai sản lên đến 6 tháng và bố trí thời gian cho việc cho con bú trong giờ làm việc (Điều 137).
“Bình đẳng giới tại nơi làm việc được xem là điều kiện để khai thác nguồn nhân lực nữ giới, đóng góp vào sự đa dạng và thành công cho doanh nghiệp”, ông Bình khẳng định.