Thúc đẩy tăng trưởng qua “cỗ xe tam mã”
TP.HCM: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công | |
Chủ tịch Quốc hội: Tăng cường hiệu quả, chất lượng đầu tư; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công | |
Đầu tư công cần là “ngọn hải đăng” dẫn dắt kinh tế phục hồi |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Từ ngày 27/1, dịch bệnh trong nước đã xuất hiện trở lại với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh... Điều đó ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng kinh tế, thưa Bộ trưởng?
Từ trước Tết Nguyên đán, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số nơi, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã dự báo, nếu dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Ở tình huống này, nếu các quý sau đạt mục tiêu tăng trưởng thì GDP cả năm ước đạt 6,37% (đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội 6%).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% như mục tiêu phấn đấu mà Chính phủ và Thủ tướng đặt ra thì tăng trưởng quý II cần đạt mục tiêu 7,11% và quý III, quý IV phải cao hơn mục tiêu đặt ra với GDP quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).
Vậy chúng ta cần làm gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng?
Càng khó khăn càng chủ động và cần có các giải pháp quyết liệt đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Đồng thời cần tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh, tình hình mới.
Trước hết, trong 6 tháng đầu năm các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Song song với đó phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết và hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu; Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán…
Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về “cỗ xe tam mã” này?
Trước hết, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế. Cần triệt để tiết kiệm chi và tập trung nguồn lực cho các hoạt động chống dịch và đầu tư phát triển. Duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải. Theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản, biện pháp để ứng phó hiệu quả những biến động và vấn đề phát sinh.
Thứ hai, tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, triển khai các chính sách kích thích tiêu dùng trong nước, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường. Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP. Rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật; tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp phát sinh từ cơ chế, chính sách để giải phóng các nguồn lực cho phát triển.
Thứ ba, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng |
Vậy cần giải pháp gì để tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế, thưa Bộ trưởng?
Bối cảnh Covid-19 cùng cuộc CMCN 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, thương mại trên thế giới. Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, nhiều quốc gia đã và đang đề ra chiến lược, chính sách mới trong đó tập trung vào phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ… như chiến lược “vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc, chính sách “tăng trưởng xanh” của Hàn Quốc...
Do vậy, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta; tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó bao gồm nhiều nội dung, giải pháp tương đồng với các nội dung trên. Bộ sẽ phối hợp các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình mới và chiến lược của các quốc gia khác để báo cáo Chính phủ cùng với các nội dung của Đề án trong thời gian tới.
Cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn!