Thúc đẩy tổng cầu tạo điểm tựa để tăng trưởng kinh tế
Nỗ lực cao nhất, đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay ở mức 6,0% Thúc đẩy tăng trưởng năm 2024: Tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo |
Tổng cầu giữ vai trò quan trọng
Theo đánh giá của Báo cáo, trong năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro và bất ổn, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động nặng nề. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,56% của năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Năm 2023, khu vực công nghiệp và xây dựng chưa cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực, chỉ tăng 3,74% so với năm trước (thấp so với mức tăng trưởng trung bình các năm 2015-2019 là 8,6%). Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Tổng lượng giao dịch 4 quý năm 2023 đạt khoảng 18.600 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chỉ bằng 17% so với năm 2018, thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Phục hồi tổng cầu sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế 2024. Ảnh: ST |
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%). Động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%). Kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, ASEAN, Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam trong năm 2024. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp.
Toàn cảnh Hội thảo |
“Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân….”, ông Chương cho hay.
Trình bày báo cáo GS.TS. Tô Trung Thành, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong năm 2024, vẫn còn nhiều thách thức cả trong và ngoài nước. Cụ thể, nhiều nền kinh tế lớn vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023, căng thẳng địa chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nguồn cung, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng đặc biệt ở các nước lớn.
Trong nước, động lực truyền thống đến từ tổng cầu còn yếu. Khu vực doanh nghiệp còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, môi trường tài chính và vĩ mô còn chứa đựng nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, việc thay đổi thể chế tạo điều kiện động lực tăng trưởng mới còn chậm trễ, chất lượng tăng trưởng thấp, mô hình tăng trưởng chưa cải thiện.
Theo vị chuyên gia này, động lực tăng trưởng của nền kinh tế 2024 sẽ chủ yếu dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống, đầu tư tư nhân về cơ bản khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp nên việc giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt. Tiêu dùng cuối cùng khu vực tư nhân ngày càng giữ vai trò quan trọng và kinh tế đối ngoại sẽ tiếp tục là trụ cột chính cho tăng trưởng.
Chính sách tài khóa là trọng tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Từ những phân tích và đánh giá tình hình thực tế của Việt Nam cũng như trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhóm tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách vĩ mô thúc đẩy tổng cầu. Theo đó về phía tài khóa, Chính phủ có thể xem xét tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khoá nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xu hướng giảm. Cần tích cực và chủ động sử dụng chính sách tài khoá trong kích thích tăng trưởng nhằm đối phó với những vấn đề của suy giảm tăng trưởng. Cụ thể, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả và có thể xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp và để kích cầu.
Các chuyên gia tham dự trao đổi tại Hội thảo |
Về phía tiền tệ, báo cáo cho biết, để tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu, NHNN cần ban hành và chỉnh sửa một số văn bản pháp lý liên quan tới tiếp cận tín dụng. Đồng thời, NHNN cần triển khai một số chính sách nhằm tăng cường mức độ tiếp cận tín dụng, nhất là đối với nhóm DNNVV, cũng như giảm lãi suất cho vay.
Ví dụ như đẩy mạnh công tác đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc; ban hành quy định cụ thể yêu cầu các TCTD công bố công khai các thông tin quan trọng trong cấp tín dụng như: lãi suất cho vay bình quân, các loại phí suất, cách tính phí, lãi suất thực bình quân theo năm.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng nêu một số nhóm giải pháp nhằm củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu. Đơn cử như thực hiện thành công các cơ chế, chính sách, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng hiện hữu như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa; áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đó chính sách tài khoá là chủ lực, chính sách tiền tệ có vai trò phối hợp. Quan tâm thúc đẩy tăng trưởng các đầu tàu của nền kinh tế nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Ngoài ra, cần chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhà nước, dự án yếu kém, TCTD yếu kém, đầu tư công… nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, lành mạnh hoá hệ thống doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.