Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
UOB tiếp tục hạ dự báo GDP Việt Nam xuống 5,2% Lạm phát tăng thấp, thêm dư địa phục hồi tăng trưởng Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 |
Vấn đề nằm ở tổng cầu
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như xung đột Nga - Ukraine vẫn đang còn diễn biến rất phức tạp.
Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 (do ảnh hưởng mạnh của COVID-19 thời điểm đó).
Toàn cảnh Tọa đàm |
Liên quan đến thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ.
“Những số liệu trên cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam, theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới”, PGS.TS. Nguyễn Thành Hiếu nói.
Đồng quan điểm, đánh giá tổng cầu kinh tế và những khuyến nghị khôi phục tổng cầu duy trì động lực tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh mới. PGS.TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định, có thể thấy tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại qua các giai đoạn, tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn trở nên biến động hơn. Tăng trưởng quý II cao hơn so với quý I nhưng còn ở dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước dịch bệnh. Công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến xuất khẩu và bất động sản sụt giảm mạnh. Đặc biệt, thấy rõ cả 3 động lực từ phía cầu đều suy yếu. Cụ thể, tổng mức bán lẻ tăng tốt trong quý I nhưng chậm lại trong quý II, tiêu dùng dự kiến sẽ tăng chậm lại do lãi suất cao, thu nhập, và tài sản giảm; đầu tư công tăng khá, các thành phần đầu tư khác đều yếu; xuất nhập khẩu giảm mạnh hơn qua các quý.
Cần tập trung hơn vào chính sách tài khóa
Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, các nguyên tắc để kích cầu đó là: Tính kịp thời, có thể thấy, độ trễ của chính sách như giảm VAT, đầu tư công, nhà ở xã hội… khá chậm, trong khi tình hình kinh tế diễn biến nhanh. Nguyên tắc tiếp theo là chỉ thực hiện tạm thời, kích thích được phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong bối cảnh nguồn lực/dư địa chính sách hạn chế. Đồng thời, tránh các bất ổn như lạm phát, tỷ giá, bong bóng giá tài sản,… vì vậy, phải ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời nhưng cải thiện được năng suất trong dài hạn. Cuối cùng là cần đúng đối tượng, hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao; hàng hóa nội địa…
Cần tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khóa để phục hồi tổng cầu. Ảnh: ST |
Gợi ý chính sách, vị chuyên gia này cho rằng cần khuyến khích đầu tư tư nhân; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ tín dụng và M2/GDP cao, lần lượt 1,25 và 1,5 lần vào cuối 2022, lạm phát cơ bản giảm chậm, ngoài ra còn các vấn đề về giới hạn về lãi suất thực dương, bất ổn tỉ giá… Vì vậy theo ông Phạm Thế Anh, cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa như: Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải, phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực, bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Đây là chính sách lâu dài, hạn chế tác động phụ.
Ngoài ra, cần kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế; giảm VAT hàng thiết yếu, thông qua đó sẽ đạt hai mục tiêu an sinh xã hội và kích cầu, hiệu quả do xu hướng tiêu dùng biên cao, vừa là chính sách tạm thời vừa lâu dài, ít tác động phụ.
Các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm cũng đồng tình, trong thời gian tới, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung - cầu hàng hóa; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì, củng cố các thị trường truyền thống; khai thác hiệu quả, thực chất hơn nữa các FTA đã ký kết cũng như sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết các FTA mới nhằm phát triển các thị trường mới, tiềm năng.
Bên cạnh đó, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn FDI gắn với quá trình chuyển giao công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; triển khai thực hiện Chiến lược về kinh tế số, xã hội số.