Thực hành kinh doanh có trách nhiệm: Chìa khóa cân bằng tăng trưởng và phát triển bền vững
Đây là thông điệp của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi tại Hội thảo tham vấn “Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” được tổ chức mới đây.
Theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, thực hành kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và cả quốc gia; giảm thiểu các rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp cũng như quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo lập sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như: phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm. Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp; tuy nhiên, nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ.
Hoàn thiện chính sách pháp luật về kinh doanh sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng |
Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, rà soát, hội thảo tham vấn để xây dựng dự thảo Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Đề án này tập trung vào ba định hướng lớn, gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai, bao gồm: Nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và xã hội; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; Thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật liên quan. Trong đó, việc hoàn thiện chính sách pháp luật sẽ xoay quanh 5 lĩnh vực lớn đó là: Đầu tư; Lao động; Bảo vệ quyền của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; Bảo vệ môi trường; và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo bà Ann Mawe đến từ Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam: Các doanh nghiệp không tuân thủ thông lệ quốc tế về quyền con người và phát triển bền vững sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc giữ chân những khách hàng. “Vì vậy, tôi rất vui khi được biết Việt Nam sẽ thông qua Kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2023, tạo nên một phần của kỷ nguyên mới về cách thức kinh doanh tại Việt Nam - đó là tập trung vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm như một chuẩn mực mới, bà Ann Mawe nói.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP Ramla Khalidi cũng nhấn mạnh: Việc có một Kế hoạch Hành động Quốc gia không chỉ thể hiện các cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ quyền con người và phát triển bền vững, mà còn là bằng chứng sống động cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng, thậm chí đi trước cuộc chơi, trở thành một bên tham gia có trách nhiệm trên thị trường toàn cầu và một lần nữa chứng minh cho các quốc gia khác trong và ngoài khu vực hướng tới một tương lai bền vững, công bằng và toàn diện hơn”. Bà Ramla Khalidi đề cập đến các tiêu chí quan trọng để có kế hoạch hành động quốc gia hiệu quả theo Hướng dẫn của Liên hợp quốc. Đó là kế hoạch hành động cần được xây dựng dựa trên Các quy tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người của Liên hợp quốc; Cung cấp cơ chế thực hiện, theo dõi và đánh giá; Xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động một cách minh bạch và bao trùm.
Góp ý vào dự thảo Đề án, bà Trịnh Thị Thúy Hằng, Vụ pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao dự thảo Đề án. Bởi theo bà việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà là trách nhiệm từ trung ương để tạo sự thống nhất trong triển khai.
Tuy nhiên, bà Hằng cùng nhiều chuyên gia chỉ ra việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành tại dự thảo còn chưa hợp lý và khó thực thi. Như Đề án giao việc nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế chọn lọc, ưu đãi và khuyến khích hoạt động đầu tư có trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo bà có sự chồng chéo và chưa hợp lý. Bởi nội hàm thế nào là đầu tư có trách nhiệm thì bộ chuyên ngành quản lý và nắm rõ nhất vì vậy các tiêu chí lựa chọn, sàng lọc nên giao cho họ. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò phối hợp xây dựng các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư.
Hay như việc phân công cho Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra quy định về phương pháp tính toán bồi thường thiệt hại trong trường hợp doanh nghiệp gây ô nhiễm về độ ồn, ánh sáng và không khí, bà Phùng Thị Hoàn - Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng khá “khiên cưỡng”. Vì chức năng của bộ là người tham mưu quản lý. Hơn thế, việc bồi thường này thuộc phạm trù bồi thường vi phạm ngoài hợp đồng và được quy định trong luật dân sự không thuộc phạm vi của bộ.
Bà Hoàn cùng nhiều chuyên gia băn khoăn, khi các dữ liệu phân tích trong đề án chưa cập nhật dẫn tới các khuyến nghị, các giải pháp chưa sát với thực tế. Đơn cử, theo Đề án xu hướng tranh chấp lao động giảm. Nhưng đó là đánh giá dựa trên số liệu từ năm 2018 trở về trước. Trong khi đó thực tế hiện nay xu hướng này tăng và phức tạp hơn, không còn chỉ liên quan đến tiền lương, thời gian lao động mà là liên quan đến sa thải, xử lý kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động...
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng chỉ ra doanh nghiệp là chủ thể chịu tác động của đề án, nhưng trong đề án sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hầu như “không có bóng dáng” mà chỉ là trách nhiệm phải tuân thủ. “Chủ thể chính là cộng đồng doanh nghiệp, mà họ không có trong Quyết định Thủ tướng ban hành là một sự thiếu sót”, ông nói. Hơn thế, ông Nam chỉ ra cái yếu của Việt Nam không phải xây dựng pháp luật mà là thực thi thực tế. Vì vậy cần có giải pháp thúc đẩy về thực thi và Bộ Tư pháp nên đứng chủ trì trong việc này.