Thương mại điện tử xuyên biên giới: Con đường tất yếu để mở rộng xuất khẩu
Áp dụng Escrow ngừa rủi ro thanh toán thương mại điện tử Thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền về phát triển thương mại điện tử |
Theo eMaketer, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử toàn cầu đạt 8,9% năm 2023, tăng lên 9,4% năm 2024. Dù có xu hướng sẽ giảm nhẹ vào năm 2025 và 2026, song con số tăng trưởng dự báo vẫn rất cao, tới 8,1% năm 2026 đạt 7,6 ngàn tỷ USD. Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2023, mô hình B2C (doanh nghiệp bán hàng, cung ứng dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng) dù có giảm tốc trong năm 2021 với tốc độ tăng 16%, song đã hồi phục từ năm 2022 khi tăng trưởng 20% với doanh thu 16,4 tỷ USD và khoảng 60 triệu người tham gia giao dịch, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng, trong khi tỷ lệ này năm 2019 chỉ là 4,9%.
Đặc biệt, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử , Cục Thương mại và Kinh tế số thuộc Bộ Công thương (IDEA) Nguyễn Văn Thành cho biết, chỉ tính từ ngày 6/9/2023 đến 5/10/2023, doanh số bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới qua nền tảng TMALL đạt 6.290,2 tỷ đồng; cùng thời điểm này trên Taobao đạt hơn 8.080 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cần đào tạo tuyển dụng nhân lực đảm bảo về kỹ năng, giải pháp chiến lược TMĐT |
“Xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia cũng như tại Việt Nam. Lĩnh vực này được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra. B2C của Việt Nam dự kiến đạt 11,1 tỷ USD năm 2026”, ông Thành cho biết.
Tuy nhiên còn khá nhiều rào cản và thách thức trong phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, đó là những bất ổn kinh tế chính trị trên thế giới, nhu cầu thị trường biến động, tình hình dịch bệnh khó lường, chi phí đầu vào tăng và thủ tục hành chính phức tạp. Cùng với đó là hạn chế tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; cùng việc đáp ứng các quy định về luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nghiêm ngặt, quy định nhập khẩu phức tạp của thị trường nước ngoài…
Một khảo sát của sàn thương mại điện tử Alibaba.com cũng cho thấy, 60% doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm vận hành trên sàn thương mại điện tử , trong đó có 38% các doanh nghiệp tiếp thị qua các kênh trực tuyến nhưng không bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử , 22% chỉ bán hàng qua kênh offline. Chỉ có 20% có kinh nghiệm về tiếp thị vận hành trên các sàn thương mại điện tử . 20% còn lại đã trải nghiệm bán hàng trên các sàn thương mại điện tử , nhưng thiếu kinh nghiệm về tiếp thị vận hành.
Đặc biệt, ông Thành chỉ ra nhiều địa phương chỉ lo tổ chức sản xuất, còn việc bán hàng giao đứng cho ngành công thương. Doanh nghiệp muốn bán hàng phải qua nhiều trung gian khác nhau, dẫn tới lợi nhuận trong kinh doanh nhỏ dần, mất năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phát triển thương mại điện tử tại nhiều doanh nghiệp chưa đào tạo bài bản, chưa có nghiên cứu, hiểu biết thị trường. Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường ngại đầu tư nhiều, trong khi khởi tạo thương mại điện tử thì chi phí rất lớn, chưa kể chi phí bến bãi, kho bãi…
Trong bối cảnh B2C đang trở thành xu hướng, “nếu không tiếp cận sớm thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới thì áp lực cạnh tranh càng cao hơn, càng mất cơ hội. Vì vậy doanh nghiệp cần ra quyết định sớm hơn trong thời gian tới”, ông Thành khuyến nghị.
Giải pháp cho phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới thuận lợi được ông Thành chỉ ra là cần đào tạo tuyển dụng nhân lực đảm bảo về kỹ năng, đầu tư đủ chín muồi để triển khai các giải pháp chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới. Để chọn đúng đối tượng khách hàng có nhu cầu cũng như nền tảng phù hợp, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường và lưu lượng người mua hàng, tiếp cận giới thiệu sản phẩm, quản lý từ sản xuất đến xúc tiến bán hàng để có giá và phí phù hợp, đảm bảo tính trải nghiệm của khách hàng.
Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng ban Nghiên cứu Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics khuyến nghị, với doanh nghiệp xuất khẩu khi chưa đủ kỹ năng tìm thị trường mục tiêu thì có thể tiếp cận các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba để họ hỗ trợ marketing, quảng bá, tiếp cận khách hàng. “Như vậy dù lợi nhuận giảm nhưng bù lại, đơn hàng sẽ nhiều. Đó là con đường ngắn nhất để tiếp cận thị trường”, bà Linh chỉ ra.
Ông Thành cũng cho biết, hiện Bộ Công thương đã và sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới. Gần đây, Amazon Global Selling Việt Nam ra mắt chương trình ưu đãi phí duy trì tài khoản 6 tháng chỉ 1 USD cho tài khoản bán hàng chuyên nghiệp dành cho nhà bán hàng lần đầu tiên đăng ký tài khoản với Amazon cùng các chương trình khuyến mãi; Nâng cấp chương trình vận chuyển SEND, xây dựng trung tâm đào tạo Amazon Day-1 Việt Nam. Bên cạnh thoả thuận với Amazon, IDEA còn phối hợp với Alibaba, Shopee… đào tạo kỹ năng CBE.
Hệ sinh thái xuất khẩu cũng đã và đang được Bộ Công thương xây dựng như: Nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu (www.Ecvn.com), Cổng Thông tin xuất nhập khẩu Việt Nam(www. www.vietnamexport.com), Triển lãm trực tuyến thực tế ảo (www.iFair.vn), Ứng dụng “Hỏi đáp và tư vấn thông tin xuất nhập khẩu”, Chương trình hỗ trợ “Xây dựng sản phẩm xuất khẩu từ A-Z thông qua thương mại điện tử ”, Giải pháp truy suất nguồn gốc…
Hiệu quả của những chương trình này cũng đã thấy rõ, như thông qua việc hỗ trợ tiếp cận Amazon và Alibaba đã giúp các doanh nghiệp bán được gần 17 triệu sản phẩm, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt tăng hơn 45%, số lượng nhà bán hàng Việt tăng hơn 80%.
Quan trọng hơn, để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp phải gắn sản xuất với xu hướng tiêu dùng bền vững, xây dựng giá trị thương hiệu, sản phẩm phải đạt mục tiêu kép “xanh và sạch”…