Thương mại Mỹ - Trung: Đạt thỏa thuận giai đoạn một, thâm hụt lớn của Mỹ sẽ vẫn còn ở lại
Thặng dư thương mại hàng hóa lớn của Trung Quốc với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2019 ở mức 294,5 tỷ USD, và chiếm tới 40% tổng chênh lệch thương mại của Mỹ.
Trong cùng thời gian kể trên, Bắc Kinh đã cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc tới 14,5%, xuống mức tổng kim ngạch còn 87,6 tỷ USD; ngược lại, doanh số bán hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ dù có sụt giảm nhưng vẫn ở mức 382,1 tỷ USD.
Một tàu chở hàng của Mỹ tại cảng nước sâu Yangshan, Thượng Hải, Trung Quốc. |
Với thỏa thuận mới công bố, Bắc Kinh được cho biết sẽ tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ lên 200 tỷ USD trong vòng hai năm tới.
Nếu thực tế diễn ra như những gì Bắc Kinh cam kết, xuất khẩu của nước này sang Mỹ vẫn phải giảm một nửa so với mức 462,4 tỷ USD như ước tính cho năm nay để đạt được sự thu hẹp đáng kể thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Nhưng, làm thế nào để điều đó xảy ra?
Một sự thật đáng buồn là Mỹ sẽ tiếp tục để cho những khối tài sản khổng lồ (và công nghệ), vốn được nước này tài trợ tài chính, chuyển dịch sang Trung Quốc, điều này tiếp tục khiến cho Mỹ bị “thâm hụt tài chính” với Trung Quốc.
Trong khi đó, những vấn đề lớn khác - như bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, trợ cấp công nghiệp bất hợp pháp và quản lý tỷ giá hối đoái - hiện mới ở dưới dạng tuyên bố thay vì các ràng buộc pháp lý rõ ràng. Cơ chế thực thi của nó thông qua dạng thức tham vấn song phương ở các cấp độ kỹ thuật, vì vậy có thể leo thang lên các cấp cao hơn trong trường hợp xảy ra bất đồng nghiêm trọng.
Với các phân tích như vậy, trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, rõ ràng là lợi ích chính trị đang được chú trọng hơn là khả năng đạt được trên thực tế về thu hẹp khoảng cách thương mại Mỹ - Trung, như được hiểu là một vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ.
Đó là những hàm ý rõ ràng từ các tuyên bố chính thức.
Washington đang quan tâm đến lời hứa của Trung Quốc về việc mua nông sản và các sản phẩm khác của Mỹ, bất chấp các phân tích cho thấy trong trường hợp Trung Quốc mua tới 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong vòng 2 năm tới thì thâm hụt thương mại của Mỹ với nước này vẫn rất lớn.
Ngược lại, phía Trung Quốc đã không đề cập đến bất kỳ lời hứa nào như vậy. Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ thông tin rằng Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận thương mại dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, và việc mở rộng hơn cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài, “bao gồm cả Mỹ, theo quy định của WTO cũng như các quy tắc thị trường và nguyên tắc kinh doanh”.
Các khía cạnh của vấn đề, theo phân tích trên, dường như giống với một cuộc đình chiến hơn là cái kết đang đến gần của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, cũng không khó để các chiến lược gia Bắc Kinh hiểu rằng vấn đề thâm hụt thương mại Mỹ - Trung là một trở ngại lớn cho bất kỳ nỗ lực cải thiện quan hệ nào giữa hai quốc gia.
Trước mắt, Bắc Kinh sẽ cần thể hiện rằng họ đang thực hiện các giải pháp để thâm hụt thương mại lớn và có tính cơ cấu với Mỹ không tiếp tục kéo dài, bất kể ai thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.
Bởi, cán cân thương mại mất cân bằng như vậy đang là một sự khiêu khích đối với quốc gia có khoản nợ công tăng vọt hơn 23 nghìn tỷ USD, nó cũng làm giảm mạnh khả năng can thiệp của chính sách tài khóa và vị thế nhà đầu tư nước ngoài lớn của Mỹ - hiện khoảng 10,56 nghìn tỷ USD.
Đối với Bắc Kinh, tất cả nên rất đơn giản: mua nhiều hơn và nhiều hơn từ Mỹ, hoặc cắt giảm nhanh chóng và cực lớn doanh số bán hàng sang Mỹ.
Nhưng, trong lúc những kịch bản trên chưa xảy ra, Washington sẽ tiếp tục ca ngợi những thành tựu đã đạt được qua thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, liên quan đến mua nông sản, cho đến khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra, bất chấp thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ vẫn còn rất lớn.
Và như vậy, căng thẳng thương mại sẽ vẫn còn khi thâm hụt thương mại lớn đến mức khó lòng lờ đi. Và các vấn đề chính trị, an ninh khác Mỹ theo đuổi sẽ vẫn tiếp tục gây căng thẳng trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc sắp tới.