Tiền lương chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu
Đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, nhiều đại biểu cho rằng, quyết định tăng lương vừa qua cho thấy nỗ lực lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc cố gắng cân đối một phần ngân sách, hỗ trợ 3 nhóm đối tượng: người có công, người về hưu, người có mức lương thấp.
Tuy nhiên, sau hai lần trì hoãn, quyết định tăng lương lần này vẫn cho thấy cách làm chính sách tiền lương của chúng ta vẫn không giải quyết được vấn đề căn bản là đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Ngân sách sẽ phải cân đối thêm một khoản hơn 10 nghìn tỷ đồng, nhưng theo như phát biểu của các đại biểu "làn gió mới này chưa đủ làm mát hơn" người có thu nhập thấp trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Bởi vậy, các đại biểu đề nghị cần có những giải pháp căn cơ nào để việc tăng lương thực sự có tác động tích cực đến đời sống của người lao động, chứ không mang nặng tính hình thức như hiện nay.
Ảnh minh họa
Thừa nhận chính sách tiền lương không đảm bảo đời sống người dân và việc nâng lương như vừa qua cũng không đáp ứng được tốt, mặc dù Nhà nước cũng bỏ ngân sách là 11 nghìn tỷ đồng, theo Bộ trưởng Chuyền, hiện nay tiền lương của chúng ta so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%. Nâng lương lần này, mặc dù Nhà nước dành 11 nghìn tỷ đồng nhưng cũng không phải là thỏa đáng, đáp ứng được với yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mặc dù Nhà nước cũng muốn đến năm 2015, 2016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách nên chúng ta phải đi từng bước, tính theo khả năng ngân sách của mình. Nên qua hai lần trình Trung ương cũng đã thảo luận, trước mắt phải giãn lộ trình.
“Năm nay như các đại biểu biết, cũng do khả năng ngân sách, Hội đồng tiền lương đã nêu nếu nâng lương khả năng sẽ không có nguồn. Nhưng do Thủ tướng đã phê duyệt đối với lương tối thiểu của doanh nghiệp khu vực 1 là 3,1 triệu đồng vào 1/1/2015, trong đó lương của cán bộ công nhân viên chức vẫn có 1.150.000 đồng. Chính vì vậy, mặc dù rất khó khăn, nhưng cũng đã quyết định dành ra một khoản là 11 nghìn tỷ đồng và đã được Quốc hội đồng ý cho phép để giải quyết một phần tiền lương cho những người cán bộ, công nhân viên chức thu nhập thấp và cho đối tượng người có công”, Bà Chuyền nói.
Liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong báo cáo tổng số nợ 12 nghìn tỷ đồng gồm nợ Bảo hiểm xã hội 7 nghìn tỷ đồng, nợ Bảo hiểm y tế và nợ Bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Bộ trưởng Chuyền, nguyên nhân nợ đọng có nhiều, nhưng có nguyên nhân là trách nhiệm chủ sử dụng lao động không nghiêm túc. Thứ nữa là do có một số doanh nghiệp còn khó khăn, ngay bản thân lương cũng khó, nói gì đến bảo hiểm. Nhưng có một nguyên nhân rất có thể chúng ta sẽ khắc phục được đó là hiện nay mức xử phạt nhẹ hơn, vì vậy người ta cố tình để nợ còn hơn phải vay ngân hàng.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân là tổ chức công đoàn ở các địa phương thường không phản ảnh kịp thời đối với những vấn đề này. Vì vậy, bà đề nghị, thời gian tới các nơi đã có tổ chức công đoàn phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động, phải bảo đảm cho người lao động về quyền lợi của họ. “Chúng tôi có trách nhiệm, trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý”, bà Chuyền nói.
Dương Công Chiến