Tiếp đà tăng, CPI tháng 5/2024 tăng 4,44% so với cùng kỳ
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng 5 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 5/2024 so với tháng trước có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 03 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá.
Đã có những diễn biến khá trái ngược về chỉ số giá ở các nhóm hàng hóa và dịch vụ so với tháng 3. Cụ thể trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%, làm cho CPI chung tăng 0,13% (vào tháng 3, nhóm này giảm 0,13%). Đáng chú ý, trong khi lương thực giảm 0,26% thì thực phẩm lại tăng 0,59% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14%.
Bên cạnh đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,6% (trong đó, giá đồ trang sức tăng 3,3% theo giá vàng trong nước; dịch vụ hành chính, pháp lý tăng 0,28%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,12%)… cũng đẩy CPI tăng.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 5/2024 so với tháng trước |
Ở chiều ngược lại, trong 3 nhóm hàng giảm giá, bên cạnh sự đóng góp “thường xuyên” của nhóm bưu chính, viễn thông (tháng 5 giảm 0,09%), còn có sự đóng góp tiếp tục với mức giảm 0,25% của nhóm giáo dục (tháng 4 giảm 2,93% so với tháng trước).
Song đáng chú nhất là nhóm giao thông khi giảm tới 1,73% so với tháng trước (góp phần giảm CPI chung 0,17%), chủ yếu nhờ giá xăng trong nước giảm 4,72%; giá dầu diezen giảm 5,08% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; mặc dù đồng thời nhóm này cũng ghi nhận một số nhóm hàng tăng giá như giá nhóm phương tiện đi lại tăng 0,11%; giá vận tải hành khách bằng taxi tăng 0,94%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,22%... Như vậy, điểm đáng chú là ở chỗ có sự đảo ngược ở nhóm này bởi trước đó vào tháng 4, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng 1,95% (làm CPI chung tăng 0,19%)
Lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng 0,15% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.