Tiếp sức Hàm Yên về đích nông thôn mới
Là một huyện miền núi với tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 33,44% vào năm 2016, song đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang chỉ còn 11,74% (3.747 hộ). Thành quả đó không thể không nói đến sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng trên địa bàn trong suốt hành trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Và mới đây, để một lần nữa tạo đòn bẩy cho Hàm Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang vào năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 3% trở lên, cũng như hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, NHNN tỉnh và các TCTD trên địa bàn đã cùng với chính quyền địa phương bàn các giải pháp phát triển tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình này.
*******
Báo cáo từ NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho thấy, trên địa bàn huyện Hàm Yên không chỉ có 4 sự hiện diện của 2 ngân hàng chủ công trong việc hỗ trợ người nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), mà đã có sự tham gia của PGD NHTMCP Công thương Việt Nam và PGD NHTMCP Bưu điện Liên Việt. Ngoài ra, còn có một số ngân hàng khác tuy chưa có trụ sở trên địa bàn nhưng có đầu tư vốn cho một số khách hàng trên địa bàn huyện. So với cuối năm 2020, tính đến 31/5/2021, các TCTD trên địa bàn đã huy động được 2.299,88 tỷ đồng, tăng 6,45%, trong đó, vốn huy động tại địa phương đạt 1.796 tỷ đồng, tăng 5,82%.
NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang và UBND huyện Hàm Yên đồng chủ trì Hội nghị “Công tác tín dụng và hỗ trợ an sinh xã hội phục vụ xây dựng huyện nông thôn mới” |
Nguồn vốn dồi dào là điểm tựa để các TCTD mở rộng tín dụng, đáp ứng yêu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp. Tính đến 31/5/2021, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn huyện đạt 1.775,43 tỷ đồng, tăng 10,62% so với cùng kỳ 2020, và so với 31/12/2020 tăng 60,85 tỷ đồng (+3,55%), trong đó tín dụng thương mại đạt 1.236,64 tỷ đồng. Tín dụng đối với một số cây trồng trọng điểm (cam, chè, cây nguyên liệu giấy...) là 611,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 87 tỷ đồng (+16,6%), so với 31/12/2020 tăng 20 tỷ đồng (+3,44%). Tín dụng theo các cơ chế, chính sách của tỉnh là 15,5 tỷ đồng cho 100 khách hàng.
Trong tháng 3/2021, Agribank và NHCSXH huyện đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, các tổ chức đoàn thể hoàn thành việc rà soát, khảo sát nhu cầu vốn tín dụng tăng thêm trong năm 2021 trên địa bàn toàn huyện; qua rà soát có 2.213 khách hàng có nhu cầu vay vốn với số tiền 146,5 tỷ đồng. Từ 01/4/2021 đến 31/5/2021, các ngân hàng đã tiếp nhận 1.473 hồ sơ đề nghị vay vốn, đã thẩm định xong và giải ngân 1.473 khách hàng với số tiền 80,6 tỷ đồng (đạt 100% số hồ sơ đã tiếp nhận và đạt 66,56% so với nhu cầu đăng ký vay vốn năm 2021).
Cũng từ đầu năm 2020 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam về tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng trong sản xuất kinh doanh do dịch Covid-19, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 69 khách hàng, với số tiền được cơ cấu lại là 7,4 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 33 khách hàng, dư nợ 29 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 146,7 triệu đồng; thực hiện thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau cho 5 khách hàng, số tiền thu nợ gốc 1 tỷ đồng. Các NHTM trên địa bàn huyện đã 3 lần hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng từ đầu năm đến nay. Hiện, lãi suất thương mại cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 6,0%/năm xuống còn 4,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh giảm từ 1,5-2%/năm.
Các dịch vụ ngân hàng hiện đại gia tăng thêm những giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình giao thương và mở rộng sản xuất. Hiện trên địa bàn huyện có 7 máy giao dịch tự động ATM, 7 máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS), 40.035 khách hàng mở tài khoản thanh toán qua ngân hàng, 105 đơn vị thực hiện chi trả lương qua tài khoản.
Dòng chảy vốn và thanh toán ngày một thông suốt và mở rộng đã góp phần phát huy lợi thế lớn của huyện về nghề rừng, chăn nuôi và trồng trọt, từng bước thúc đẩy người dân và doanh nghiệp khai thác, phát huy trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp đưa Hàm Yên từ điểm xuất phát rất thấp của tỉnh từng bước phát triển. Đến thời điểm này, tổng diện tích cây ăn quả của huyện đã đạt trên 8.000 ha, trong đó có trên 7.300 ha cam, chiếm 40% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Hiện cam sành Hàm Yên đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, Hàm Yên đã có 6 sản phẩm OCOP 3-4 sao... Thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 35 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2020, tăng bình quân 6,5%/năm.
*******
Thế nhưng trong chặng đường phát triển phía trước của huyện còn không ít khó khăn, khi tập quán sản xuất kinh doanh một số vùng trên địa bàn còn lạc hậu, một bộ phận hộ nghèo chưa có ý thức vươn lên tự thoát nghèo, tư tưởng còn trông chờ ỷ lại vào cơ chế, chính sách của nhà nước, dẫn đến việc cho vay, thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình còn nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế và nhu cầu vốn không cao.
Hiện trên địa bàn huyện chưa hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm; các doanh nghiệp ít có dự án có nhu cầu vay vốn lớn và có tính khả thi... Lại thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận tải, xuất nhập khẩu, nông nghiệp, chế biến, gia công... gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nên nhu cầu vay vốn mới giảm. Tín dụng đối với kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp 5 tháng đầu năm vì thế giảm 10,53% so với cuối năm 2020 đạt 68,6 tỷ đồng.
Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngân hàng trên địa bàn, góp phần ngày càng tích cực, hiệu quả tham gia xây dựng huyện Hàm Yên đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang Trịnh Ngọc Tuấn, cho biết ngành Ngân hàng Tuyên Quang nói chung, hệ thống Ngân hàng trên địa bàn huyện Hàm Yên đã đề ra các giải pháp cụ thể và sẽ tập trung thực hiện quyết liệt triển khai trong những tháng còn lại của năm 2021 cũng như những năm tới.
Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn huyện phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, nhất là các cơ chế, chính sách về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững,... NHNN Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các Ngân hàng huyện tiếp tục tập trung ưu tiên bố trí nguồn vốn, bảo đảm đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhu cầu vốn tín dụng. Đặc biệt là phải luôn chủ động tiếp cận, phối hợp với khách hàng vay vốn đang gặp khó khăn để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ, khả năng tài chính, khả năng duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó có những giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng khách hàng để tháo gỡ khó khăn, nhất là những khách hàng chịu ảnh hưởng, tác động do đại dịch Covid-19.
Các chi nhánh Agribank, NHCSXH huyện tiếp tục thực hiện tốt trình tự, thủ tục thanh toán hỗ trợ lãi suất tiền vay theo các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh bảo đảm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng, đồng thời chấp hành đúng các quy định về hỗ trợ lãi suất tiền vay đối với khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, thường xuyên đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện đầu tư vốn tín dụng; kịp thời xem xét, xử lý theo quy định các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo của người dân.
Tiếp nối kết quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, ngành Ngân hàng Tuyên Quang tiếp tục tổ chức phù hợp các hoạt động an sinh xã hội tại địa bàn huyện Hàm Yên để góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Đại diện các TCTD đã đề xuất với chính quyền huyện chung tay cùng ngành Ngân hàng khơi thông những điểm nghẽn vốn đang hiện hữu, cũng như trợ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng lực tài chính hỗ trợ các hạt nhân kinh tế huyện. Trong đó, đề nghị UBND huyện tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các UBND xã, thị trấn thường xuyên rà roát và thực hiện nghiêm việc cấp Giấy xác nhận chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, phòng ngừa rủi ro khi người dân được cấp nhiều lần và sử dụng vay vốn tại nhiều ngân hàng khác nhau. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng các phòng, ban liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trong việc tổ chức cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, bao tiêu sản phẩm nông, lâm nghiệp, xây dựng các chuỗi kinh tế nông, lâm nghiệp tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Các TCTD cũng đề nghị chính quyền huyện chỉ đạo Công an huyện, xã, Bảo hiểm xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan có liên quan phối hợp với ngân hàng trong việc xác minh địa chỉ cư trú hiện tại của người vay vốn đã đi khỏi địa phương để có các biện pháp thu hồi nợ phù hợp, bảo toàn và nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)