Tiết lộ "vũ khí" mới trong phòng chống Dịch tả lợn châu Phi
Ảnh: TTXVN |
Theo Bộ NN&PTNT, ngay từ khi bệnh DTLCP bùng phát, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như các bộ ngành, tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan. Nhờ đó, đến nay, đã có 854 xã thuộc 226 huyện của 40 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày chưa phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
DTLCP là dịch bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh. Chính vì vậy, các cấp uỷ, chính quyền từ T.Ư đến các địa phương cần xây dựng và tổ chức kế hoạch tổng thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm sớm khống chế DTLCP trên tinh thần của Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, cũng như các Chỉ thị, Công điện, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, chưa có loại dịch bệnh nào mà toàn hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương phải vào cuộc đồng bộ như đối với DTLCP thời gian qua. DTLCP gây thiệt hại rất lớn chủ yếu ở các hộ nhỏ lẻ,liên quan đến sinh kế người dân và liên quan đến kinh phí hỗ trợ...
Nhưng theo ông Cường, DTLCP không đáng sợ nếu chúng ta nắm chắc nguyên lý. Vũ khí duy nhất hiện nay trong phòng chống DTLCP là triển khai đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh.
“Thực tiễn vừa qua cho thấy có nhiều cách làm rất sáng tạo trong phòng, chống DTLCP. Các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn lớn vẫn an toàn trong dịch bệnh nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh có lợi. Đây vẫn sẽ là nhóm giải pháp cần nhân rộng trong thời gian tới”, ông Cường bổ sung.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, chăn nuôi an toàn sinh học cũng là hướng đi bền vững, lâu dài cho cả ngành chăn nuôi, chứ không chỉ đối với chăn nuôi lợn. Trong thời gian tới cần đẩy nhanh nghiên cứu vắc-xin, chế phẩm sinh học phòng dịch tả lợn châu Phi.