Tiêu chí lựa chọn khu công nghiệp ngày càng khắt khe hơn
Ngân hàng đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất | |
Khu kinh tế, khu công nghiệp chưa hút vốn ngoại | |
Tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ đầu tư vào khu công nghiệp |
Nhu cầu thuê mặt bằng và xây dựng nhà xưởng của cả DN trong nước và nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng cao từ đầu tới nay vẫn chưa hạ nhiệt. Xu hướng này thúc đẩy việc đầu tư mở rộng và xây mới các KCN trong tương lai. Cùng với nhu cầu tăng lên, các tiêu chí lựa chọn KCN cũng đang thay đổi theo hướng khắt khe hơn. Nhà đầu tư bắt đầu quan tâm tới nhiều vấn đề như nhà ở cho người lao động, hay mô hình KCN sinh thái chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường…
Phải có hạ tầng thiết yếu để giữ chân người lao động
Theo TS. Hồ Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng), thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã phát triển công nghiệp khá thuần túy. Đó là chú trọng tới việc thu hút đầu tư vào sản xuất và thu ngân sách chứ chưa có tầm nhìn quy hoạch thành hệ sinh thái bền vững con người - sản xuất - thiên nhiên. Vì vậy, việc xây dựng các KCN chủ yếu tập trung vào tạo quỹ đất và kêu gọi DN thuê để tổ chức sản xuất; trong khi bỏ ngỏ việc đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội như nhà ở, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám…
Do thiếu các cơ sở hạ tầng thiết yếu này, hệ thống KCN nói chung rất “thiếu sức sống”. Người lao động không thể “an cư lạc nghiệp” trong các KCN; đồng thời KCN cũng không kết nối được với hoạt động công nghệ hay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, công nhân không muốn gắn bó lâu dài với công việc tại các KCN.
Tình trạng thiếu nhà ở và tiện ích xã hội dành cho công nhân được thể hiện qua các số liệu của Cục Quản lý thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Theo đó, năm 2020 có khoảng 1,7 triệu lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp đang cần nhà ở. Tuy nhiên, các dự án nhà ở dành cho người lao động lại rất ít, cả nước chỉ có khoảng 100 dự án loại này, đáp ứng khoảng 28% so với nhu cầu thực tế.
Tính đến cuối quý II/2022, cả nước chỉ có 24 dự án nhà ở công nhân đang được triển khai, thấp hơn rất nhiều so với các loại hình dự án khác như nhà ở thương mại (1.091 dự án), đất nền (210 dự án), nhà ở thu nhập thấp (96 dự án), bất động sản nghỉ dưỡng (71 dự án). Con số này đã phần nào nói lên sự thiếu hụt rất lớn các dự án nhà ở cho công nhân, so với mặt bằng nhu cầu chung của xã hội.
Ảnh minh họa. |
Riêng tại địa bàn TP.HCM, thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy thành phố có 17 khu chế xuất, KCN với hơn 1.000 DN cả trong nước và FDI, với tổng số lao động là 285.000 người, riêng lao động nhập cư chiếm tỷ lệ 65%. Hiện nay các khu nhà lưu trú mới chỉ giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% công nhân lao động tại các khu chế xuất, KCN.
Ông Tạ Quốc Bảo - Phó Tổng giám đốc Công ty Thanh Bình Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 chia sẻ: Xu hướng hiện nay của các công ty nước ngoài khi đầu tư vào KCN là rất quan tâm đến việc tìm nơi lưu trú cho người lao động của công ty họ. DN cho rằng đó là một trong những bước cơ bản để nâng cao chất lượng lao động. Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn bày tỏ mong muốn sẵn sàng cùng với các chủ đầu tư KCN triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân ngay trong khuôn viên KCN, dù yêu cầu đó là không bắt buộc.
Xu hướng phát triển bền vững
Một xu hướng đầu tư KCN khác đang được các chuyên gia khuyến nghị, đó là phát triển theo mô hình KCN sinh thái. Hiện nay, mô hình phát triển bền vững ngày càng phổ biến trên phạm vi toàn cầu, trong đó các NĐT lớn, tập đoàn đa quốc gia luôn đi đầu trong xu hướng này. Để thu hút nhiều hơn nữa các tập đoàn này, hệ thống KCN cần phát triển theo mô hình sinh thái, chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo đó, KCN sinh thái phải đáp ứng 8 tiêu chí: Kết cấu hạ tầng phải đúng pháp luật và bảo vệ môi trường, lao động; Hạ tầng đầy đủ dịch vụ cơ bản; Sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch; Có diện tích đất hợp lý để trồng cây xanh; Liên kết cộng sinh công nghiệp; Xây dựng công trình xã hội cho người lao động; Có cơ chế giám sát, quản lý bảo vệ môi trường; Thực hiện công bố báo cáo bảo vệ môi trường.
Ông Ngô Hoàng Hồ - Giám đốc Khối tổng vụ kinh doanh Công ty TNHH Việt Nam NOK, KCN Amata, Đồng Nai cho biết, sản phẩm của công ty đa phần được xuất khẩu vào Nhật Bản, Hoa Kỳ - những thị trường này đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường, lao động. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, từ năm 2018, công ty đã áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, kiểm soát khí thải CO2, sản xuất sử dụng nguyên liệu hiệu quả, cải tiến và thay các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng. DN luôn chú trọng tới vấn đề lựa chọn KCN có định hướng phát triển bền vững, có sẵn cơ sở hạ tầng để áp dụng các tiêu chí về sản xuất sạch và kiểm soát khí thải.
Theo ông Ngô Hoàng Hồ, quy trình sản xuất công nghiệp bền vững không chỉ là đáp ứng đòi hỏi của khách hàng, mà qua thời gian còn giúp DN hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo các chuyên gia, bài toán khác trong phát triển KCN cần tính đến là quy hoạch làm sao để phát huy lợi thế nhờ quy mô. Theo đó, các địa phương phát triển KCN cần tăng cường liên kết vùng để phát triển các khu vực sản xuất chuyên môn hoá theo lợi thế sẵn có.
Đơn cử như tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện nay có thể thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm nguyên vật liệu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, do đây là nơi tập trung công nghiệp nặng, vật liệu xây dựng và hoá dầu - là những sản phẩm thượng nguồn của chuỗi cung ứng. Sau đó, sản phẩm từ đây sẽ được cung cấp cho các vùng công nghiệp nhẹ lân cận như Đồng Nai (nơi tập trung chế tạo linh kiện xe hơi, phụ tùng, sản phẩm hoàn chỉnh); Bình Dương (tập trung chế tạo linh kiện điện tử, phụ tùng, sản phẩm hoàn chỉnh); TP. HCM (chế tạo linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm, hàng dệt may); Long An (dệt may, chế biến thực phẩm, gia công linh kiện điện tử)…
Khi đã có sự chuyên môn, chuyên biệt hoá sâu rộng, từng địa phương cũng như các KCN có thể tập trung thu hút vào các lĩnh vực sản xuất thế mạnh của mình, thay vì chạy đua ưu đãi để tranh giành vốn.